Đó là nhận định chung của nhiều chuyên gia tại “Tọa đàm về công tác chống hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế - thực phẩm chức năng (TPCN), mỹ phẩm” do Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phối hợp với Bộ Y tế tổ chức tại TP Hội An (Quảng Nam) ngày 26-6.
Nhập hơn 80.000 hộp sản phẩm dỏm
Tình trạng buôn lậu, sản xuất TPCN giả, kém chất lượng diễn biến ngày càng phức tạp. Mới đây, vào đầu tháng 1-2015, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 4 (Cục Hải quan TP.HCM) đã lập biên bản vi phạm đối với Công ty CP Dược phẩm Hebes Việt Nam (phường 8, quận 3, TP.HCM) về hành vi nhập hơn 80.000 hộp TPCN không đủ điều kiện, tiêu chuẩn chất lượng nhập khẩu. Trước đó, Cục Hải quan TP.HCM cũng phát hiện Công ty CP Bioscope Việt Nam (trụ sở phường An Phú, quận 2) nhập khẩu 125 kg nguyên liệu thực phẩm, dược phẩm không đủ điều kiện chất lượng nhập khẩu theo quy định.
Đặc biệt, vào tháng 6-2014, Đội Quản lý thị trường 5A (Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM) đã đồng loạt kiểm tra hai tổ chức và ba cá nhân kinh doanh TPCN do Công ty CP Thế giới khoa học và tự nhiên là đầu mối nhập khẩu. Qua đó phát hiện doanh nghiệp (DN) này đã có hành vi kinh doanh TPCN không phù hợp về an toàn vệ sinh thực phẩm. Cơ quan chức năng buộc tiêu hủy hơn 34.900 chai, hộp TPCN mang các nhãn hiệu như Complebiol 4 Joints, Nucos White, Nucos Cells-up...
Nhiều đại biểu cho rằng cần phải siết chặt khâu hậu kiểm để kiểm soát chất lượng TPCN. Trong ảnh: Một vụ buôn lậu TPCN bị Công an TP Đà Nẵng phát hiện, bắt giữ. Ảnh: DƯƠNG HẰNG
Theo đại diện cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389) Hà Nội, qua kiểm tra 10 đơn vị kinh doanh TPCN (có ba đơn vị nhập khẩu) trên địa bàn thì có đến 50% đơn vị vi phạm về chất lượng. Trong đó chủ yếu là không có hoạt chất chính (không còn ý nghĩa về mặt thực phẩm). “Khi chúng tôi đến nơi sản xuất của DN này thì mới biết là họ không phải sản xuất trực tiếp mà chỉ mua nguyên liệu, đóng gói rồi dán tem, tung ra thị trường. Cơ sở này cũng không có bất kỳ một phòng chế tạo hay thí nghiệm nào về TPCN. Nhiều trường hợp còn nhập hàng từ Trung Quốc về Việt Nam, sau đó đóng gói, lọ để giả mạo gây ảnh hưởng rất lớn đến người tiêu dùng” - vị này cho biết.
Cấp chứng nhận còn đơn giản
Theo ông Long, trước tình trạng xuất hiện nhiều sản phẩm TPCN không đạt chất lượng, trong đó chủ yếu là các sản phẩm chức năng sinh lý khiến cơ quan quản lý phải xem lại khâu kiểm soát. “Chúng tôi thường xuyên tổ chức các đoàn thanh tra. Qua kiểm tra cho thấy sai phạm chủ yếu là quảng cáo không đúng sự thật về tác dụng, công dụng chữa bệnh”. Cũng theo ông Long, đáng chú ý là chất lượng TPCN qua giám định của các đợt kiểm tra cho thấy cứ 10 mặt hàng kiểm tra thì có năm mặt hàng vi phạm về chất lượng như chỉ tiêu chất lượng thấp hơn so với công bố, có sản phẩm không có chất chính, sử dụng hoạt chất không được phép, mua sản phẩm rồi mang về Việt Nam đóng gói, dán nhãn mác, kinh doanh hàng tẩy xóa hạn sử dụng…
Trong khi đó, ông Giáp Thành Trung, Đội trưởng Đội Chống hàng giả PC46 (Công an TP Hà Nội), lại cho rằng hiện khâu hậu kiểm, kiểm soát sau cấp phép còn lỏng lẻo, cần phải siết chặt.
Đồng thời nhiều đại biểu chỉ ra một số bất cập khác là khâu cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất TPCN còn khá đơn giản. Giữa nhà máy có tiêu chuẩn cao và nhà máy có tiêu chuẩn cơ sở không khác nhau về nội dung khi ghi nhãn đơn vị sản xuất, làm nản lòng các DN đầu tư có chuẩn cao. Một số đơn vị nhập hàng về sang bao lọ, giảm số lượng viên/lọ và giả mạo bao bì xuất xứ đang trở nên phổ biến. Ngay cả hàng từ Mỹ về, khi kiểm tra chất lượng cũng có hàm lượng rất thấp. Qua tìm hiểu thì đây là nhà máy do chủ Trung Quốc đầu tư sản xuất tại Mỹ theo yêu cầu của khách hàng Việt Nam. Ngoài ra, TPCN từ các nước xách tay không tem phụ, không hóa đơn chứng từ được bày bán tại các trung tâm, nhà thuốc, rao bán trên mạng cũng là vấn đề cần có giải pháp giải quyết.
“Chúng tôi kiến nghị để nâng cao hiệu quả quản lý về TPCN cần tập trung làm tốt ngay từ khâu xác nhận công bố, kiểm tra chất lượng và công khai việc thực thi, nhất là khâu chất lượng. Phải xử lý kiên quyết, thu hồi hoặc dừng cấp phép có thời hạn đối với cơ sở làm hàng giả” - một đại biểu nói.
Xử phạt hơn 1,4 tỉ đồng Ông Nguyễn Hùng Long, Cục phó Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết số sản phẩm TPCN được cấp giấy xác nhận công bố từ năm 2014 đến cuối tháng 5-2015 là trên 10.000 sản phẩm. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, cục này mới chỉ thu hồi năm giấy xác nhận công bố sản phẩm và sáu giấy xác nhận nội dung quảng cáo do các vi phạm của DN. Trong sáu tháng đầu năm, Cục cũng đã xử phạt hơn 1,4 tỉ đồng đối với các hành vi vi phạm về quảng cáo TPCN. Chúng tôi sẽ rà soát lại các văn bản, quy phạm pháp luật để siết chặt hơn nữa khâu quản lý, cấp phép. Xác định khâu tiền kiểm và hậu kiểm là rất quan trọng, nếu một mình Bộ Y tế thì hiệu quả sẽ không cao nên cần phải có sự vào cuộc của nhiều cơ quan khác. Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn |