Theo báo cáo của BCĐ 389 quốc gia, năm 2014 và 5 tháng đầu năm 2015, lực lượng chức năng 389 địa phương đã phát hiện xử lý 2.113 vụ việc vi phạm. Các vi phạm phổ biến trong sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng(TPCN), dược phẩm, mỹ phẩm…là lợi dụng bán hàng kém chất lượng với hàng chính hãng, sử dụng lại bao bì chính hãng nhưng bên trong là hàng không đảm bảo chất lượng.
Các đối tượng chủ yếu thuê gia công sản phẩm tại cơ sở sản xuất, hoặc mua nguyên liệu bán thành phẩm, sản phẩm chưa hoàn chỉnh đặt in tem nhãn ở cơ sở khác hoặc ở nước ngoài. Chỉ thực hiện công đoạn sang chiết, dán nhãn mác. Sau đó chia nhỏ hàng đóng kèm với các loại hàng có hoá đơn chứng từ hợp lệ để vận chuyển.
Lô hàng TPCN kém chất lượng đã bị lực lượng công an Quận 7 phát hiện. Ảnh: TÚ UYÊN.
Đơn cử, công an Hà Nội đã phát hiện 20 tấn thực phẩm chức năng gồm các loại như sữa ong chúa costar, 100% Royal Jelly1450mg, Omega 3…cùng nhiều tem nhãn nguyên liệu và máy tính phục vụ sản xuất. Hay công an TP.HCM phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện và tạm giữ 12 tấn thực phẩm chức năng Sắc Ngọc Khang, Hoàng Tiên Đan, cà phê giảm cân hiệu Eva, 3Days…không rõ nguồn gốc xuất xứ, không chứng từ hoá đơn, nhiều tem nhãn, dụng cụ để sản xuất.
Dù các lực lượng chức năng đấu tranh quyết liệt nhưng vẫn gặp một số khó khăn. Chẳng hạn các loại TPCN do không phải tự quy định kê khai về giá nên chênh lệch giữa giá nhập khẩu và giá thực tế rất cao, từ 20-200%. Qui định về cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất không phân loại giữa nhà máy có tiêu chuẩn cao và nhà máy có tiêu chuẩn cơ sở.
Ngoài ra một số công bố chất lượng sản phẩm gần đây không ghi thành phần chính, chất chủ yếu hoặc chỉ ghi tên vật liệu, không ghi định tính và định lượng.