Ngày 20-12, TAND tỉnh Đồng Nai đã y án sơ thẩm của TAND huyện Trảng Bom, tuyên phạt bị cáo Trần Dũng 14 năm tù, Nguyễn Văn Hương 13 năm tù cùng về tội cố ý gây thương tích. Vụ án đã gây kinh hoàng dư luận vì hành vi tàn ác của hai bị cáo, tạt acid gây thương tật cho nạn nhân đến 96%...
Ra tay tàn ác
Theo hồ sơ, Trần Anh Cường và chị Nguyễn Thị Kim Thanh cùng góp vốn kinh doanh hồ cá Sông Ray (huyện Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu). Do mâu thuẫn trong việc làm ăn, ngày 3-11-2010 Cường nói với Dũng (bảo vệ hồ cá cho Cường) thuê người tạt acid vào mặt chị Thanh, sẽ trả công 30 triệu đồng, nếu làm tốt sẽ trả thêm cho 20 triệu đồng nữa. Dũng đồng ý rồi rủ Hương tham gia.
Sáng 5-11-2010, cả hai tìm đến vựa cá của chị Thanh ở huyện Trảng Bom để gây án. Do không gặp chị nên cả hai phục kích ở một quán cà phê gần đó. Chiều cùng ngày, thấy chị Thanh chạy xe máy ngang qua, Hương chạy xe chở Dũng đuổi theo. Đuổi kịp, Hương đón đầu xe chị Thanh còn Dũng ngồi sau cầm ca acid chuẩn bị sẵn tạt thẳng vào mặt nạn nhân rồi bỏ chạy...
Gây án xong, cả hai báo cho Cường biết và được nhận khoản tiền công tổng cộng hơn 50 triệu đồng.
Bị cáo Hương (trái)và bị cáo Dũng tại phiên tòa. Ảnh: DH
Cố ý gây thương tích hay giết người?
Ban đầu, cơ quan điều tra Công an huyện Trảng Bom ra quyết định khởi tố Dũng và Hương về tội giết người (riêng Cường bỏ trốn nên hiện đang bị truy nã). Sau đó, VKS huyện cho rằng hành vi phạm vào tội cố ý gây thương tích. Xử sơ thẩm, TAND huyện đồng ý với quan điểm của VKS và phạt Dũng 14 năm tù, Hương 13 năm tù.
Ngay lập tức, nạn nhân kháng cáo bảo các bị cáo có ý định tước đoạt quyền sống của mình nên phải xử tội giết người mới đúng.
Tại phiên tòa phúc thẩm, luật sư của nạn nhân cũng cho rằng hoàn toàn có cơ sở xác định các bị cáo phạm tội giết người. Các bị cáo đã vạch kế hoạch kỹ càng, theo dõi và dùng acid là chất có khả năng làm chết người để tạt vào những vùng trọng yếu là mặt, đầu, ngực khiến nạn nhân bị thương tật 96%. Các bị cáo ra tay tàn ác, nạn nhân thoát chết là do được cứu chữa kịp thời. Thêm nữa, ban đầu tại cơ quan điều tra, hai bị cáo đều thừa nhận việc khởi tố mình về tội giết người là đúng.
Phần mình, HĐXX nhận định các bị cáo chỉ làm thuê để lấy tiền và mục đích tạt acid để gây thương tích. Án sơ thẩm xử các bị cáo về tội cố ý gây thương tích là đúng người, đúng tội. Dũng và Hương đều có tiền án nay tái phạm, hai bị cáo phạm tội với thủ đoạn tàn ác nên mức án cấp sơ thẩm tuyên là phù hợp, tòa y án.
Tranh cãi phần bồi thường
Trước đó, bản án sơ thẩm đã không xem xét phần bồi thường dân sự vì tại tòa, người bị hại đã ký vào biên bản không yêu cầu hai bị cáo bồi thường mà chờ đến khi bắt được kẻ cầm đầu là Cường mới yêu cầu.
Tuy nhiên, nhận thấy việc ký biên bản trên là do thiếu hiểu biết pháp luật nên nạn nhân đã kháng cáo đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xem xét.
Về vấn đề này, tại phiên tòa phúc thẩm, luật sư của nạn nhân khẳng định tòa án cấp sơ thẩm không xét phần bồi thường dân sự là vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Theo luật sư, không có quy định nào yêu cầu phải chờ đến khi bắt được kẻ chủ mưu mới xem xét đến vấn đề bồi thường dân sự. Nếu nạn nhân không hiểu biết pháp luật, đề nghị gây thiệt hại cho mình như trên thì tòa phải hướng dẫn, giải thích để nạn nhân đề nghị mức bồi thường đối với hai bị cáo...
Công tố viên khẳng định việc tòa án cấp sơ thẩm không xem xét phần bồi thường là đúng. Tuy nhiên, sau đó, nạn nhân kháng cáo và tại phiên tòa phúc thẩm tiếp tục yêu cầu được bồi thường trước 300 triệu đồng để điều trị nên đây là yêu cầu hợp lý, tòa cần xem xét.
Phần tuyên án, HĐXX nhận định do ở cấp sơ thẩm, nạn nhân đã có đơn không xem xét phần bồi thường dân sự nên tòa không xem xét. Nay nạn nhân kháng cáo yêu cầu được bồi thường. Để đảm bảo hai cấp xét xử, yêu cầu này, tòa án cấp phúc thẩm cũng không chấp nhận...
“Tỉnh dậy từ cõi chết, tôi trở thành phế nhân” Nhìn giọt nước mắt khó khăn rớt ra từ hốc mắt đã bị cháy xém; nhiều phần da, thịt bị bết chặt lại của chị, không ít người dự khán nhói lòng. Chị tâm sự cùng tôi: “Tỉnh dậy từ cõi chết, tôi cố gượng để nhìn, tôi không biết mình đang mơ hay tỉnh. Nghe thấy tiếng người thân nhưng không nhìn thấy gì nữa. Rờ rờ lên mặt, nhấc đôi chân băng bó, đầu nhẵn nhụi không cọng tóc… nghe tiếng khóc nấc của người thân trong gia đình tôi mới biết, tôi còn sống nhưng không còn là tôi nữa”. Chị Thanh với khuôn mặt biến dạng. Ảnh: DH Tại tòa, chị thổn thức, chỉ vì đồng tiền mà bị cáo đã gây ra bi kịch cho một con người. “Tôi từ một người phụ nữ lành lặn, chất phác, lao động chính để chăm lo cho người chồng bệnh tật và ba đứa con đang tuổi ăn học đã trở thành một phế nhân, sống bám vào gia đình, xã hội...” - chị không ngăn được nỗi lòng. Trước tình cảnh của chị, cả HĐXX đã gửi lời chia sẻ chân thành vì những mất mát, thương tật chị phải gánh chịu. Đồng thời, họ lên án hành vi vì tiền mà sẵn lòng ra tay không thương tiếc của các bị cáo. Trong vụ án này, Dũng và Hương đều không hề quen biết, không hề có mâu thuẫn với nạn nhân nhưng chỉ vì tham lam, muốn có tiền mà bất chấp, sẵn lòng tạt acid hủy hoại thân thể, sức khỏe một con người... |
DƯƠNG HẰNG