Trung Quốc là nước khai thác khoáng sản hàng đầu thế giới nhưng mức thuế suất khoáng sản chỉ 5%-10%. Đối với Úc, thuế tài nguyên khoáng sản kim loại dao động 1,6%-7,5%.
Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo góp ý về biểu thuế tài nguyên khoáng sản mới do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Tài chính tổ chức ngày 8-9.
Ông Vũ Hồng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (Tập đoàn Masan), đánh giá việc tăng thuế suất tài nguyên sẽ làm tăng chi phí khai thác khiến DN chỉ tập trung khai thác phần quặng giàu, bỏ quặng nghèo. Việc này dẫn đến sự lãng phí tài nguyên. “Với sức ép về cắt giảm chi phí do hậu quả của việc tăng thuế gây ra sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động. Ngoài ra tăng thuế sẽ làm cho ngân quỹ dành cho cộng đồng địa phương như y tế, đào tạo,… cũng sẽ bị cắt giảm” - ông Hồng nêu thực tế.
Bên cạnh đó, theo ông Hồng, việc tăng thuế suất thuế tài nguyên cùng với việc phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản sẽ gây ra tác động kép đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), cho rằng so với mặt bằng chung thế giới, thuế suất tài nguyên khoáng sản của Việt Nam cao. Từ năm 2010 đến nay, mức thuế suất đối với sản xuất than đã tăng hai lần, mỗi lần tăng mạnh, từ 40% đến 200%.
“Thực trạng này ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của sản phẩm trong nước. Nếu không có chính sách thuế hợp lý sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa nước ngoài lấn sân thị trường nội địa. Hơn nữa, điều kiện khai thác tài nguyên, trong đó có tài nguyên than ngày một khó khăn. Nếu không giảm thuế được thì nên giữ nguyên mức thuế hiện tại” - ông Biên kiến nghị.
Còn bà Vũ Hương, đại diện Diễn đàn DN Việt Nam, thừa nhận việc tăng thuế tài nguyên là cần thiết nhưng lộ trình tăng cần được thực hiện từng bước và giãn ra. Bà Hương cho rằng cần chậm tiến độ tăng thuế nhằm không làm xáo trộn và gây bất lợi đến môi trường đầu tư.
Tuy nhiên, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính), lý giải việc tăng thuế sẽ hướng khai thác đi đôi với việc bảo vệ tài nguyên quốc gia. Đồng thời việc sửa đổi biểu thuế nhằm thực hiện phương pháp quản lý thu cho phù hợp với thực tiễn hoạt động khai thác tài nguyên theo từng giai đoạn. “Việc tăng thuế suất góp phần hạn chế tối đa việc xuất khẩu tài nguyên chưa chế biến, góp phần đảm bảo nguồn thu nhà nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế” - ông Thi lý giải.
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, thời gian tới một số ít nhóm tài nguyên sẽ giữ nguyên mức thuế suất hiện hành, còn lại hầu hết thuế suất các khoáng sản được điều chỉnh tăng. Cụ thể, đối với nhóm khoáng sản kim loại như sắt tăng từ 12% lên 14%, titan tăng từ 16% lên 18%, vàng tăng từ 15% lên 17%,…