Thuốc bảo vệ thực vật làm từ lá xoan, hạt chè... được ưu đãi đầu tư

(PLO)- Cục Bảo vệ thực vật cho biết sẽ có chính sách ưu tiên bố trí kinh phí ngân sách cho nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, nhân rộng các mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học hiệu quả. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhiều ý kiến chuyên gia, cơ quan quản lý cho rằng cần có chính sách ưu đãi phát triển thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc thảo mộc đảm bảo sản xuất nông sản bền vững tại Tọa đàm “An toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp qua góc nhìn báo chí và truyền thông” do báo Kinh tế và Đô thị, Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam tổ chức chiều 8-12.

Thuốc trừ sâu bệnh làm từ hạt, lá cây

Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết hiện nay, công tác quản lý nhà nước về thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) luôn được kiểm soát chặt chẽ ở tất cả các khâu.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ, ngành: sản xuất theo chuỗi liên kết hướng đến nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn... gia tăng sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học trong thời gian tới. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế để khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV sinh học.

Ông Thiệt cho biết sẽ ưu tiên bố trí kinh phí ngân sách cho các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, tập huấn sử dụng thuốc, truyền thông và xây dựng, nhân rộng các mô hình sử dụng thuốc BVTV sinh học hiệu quả; kinh phí cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm thuốc BVTV sinh học.

“Đồng thời, có chính sách ưu đãi các doanh nghiệp đầu tư khai thác các nguồn nguyên liệu bản địa, nhất là các nguồn mà Việt Nam có lợi thế như các loại cây độc làm thuốc thảo mộc (ruốc cá, trẩu, sở, xoan ta, xoan Ấn Ðộ…) hay khai thác các nguồn phụ phẩm như bã sở, hạt chè để sản xuất thuốc BVTV sinh học”- ông Thiệt chia sẻ.

Thuốc bảo vệ thực vật làm từ lá xoan, hạt chè... được ưu đãi đầu tư
Các chuyên gia, doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý đề xuất chính sách ưu tiên nghiên cứu phát triển thuốc BVTV sinh học.

Cần đẩy mạnh truyền thông

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội doanh nghiệp sản xuất & kinh doanh thuốc BVTV (VIPA) để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn thông qua việc sử dụng thuốc BVTV, thì phải trông chờ vào công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật kiến thức cho nông dân.

Đặc biệt, trong những năm qua, công tác truyền thông, tuyên truyền của các cơ quan truyền thông như báo, đài phát thanh và truyền hình từ Trung ương đến địa phương đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của ngành Nông nghiệp khi đã kịp thời phổ biến tiến bộ kỹ thuật, bám sát, phản ánh nhanh chóng những mô hình sử dụng thuốc BVTV, những loại thuốc BVTV hóa học thế hệ mới và thuốc BVTV sinh học cho các cấp quản lý, bà con nông dân và cộng đồng.

Ông Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị cho biết toạ đàm nhằm tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến rộng rãi để người nông dân hiểu đúng, dùng đúng các loại thuốc BVTV, thuốc thú y và các chất phụ gia theo quy định của ngành nông nghiệp, ngành y tế và khuyến cáo của nhà sản xuất. Muốn làm được điều này, cần phải nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, trong đó tuyên truyền trên báo chí là rất cần thiết.

Thuốc bảo vệ thực vật làm từ lá xoan, hạt chè... được ưu đãi đầu tư
Ông Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị nhấn mạnh vài trò công tác tuyên truyền của báo chí trong sản xuất nông nghiệp an toàn.

Theo ông Lợi, cần tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức từ cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp sản xuất thuốc BVTV, thuốc thú y, chất kích thích tăng trưởng cũng như bảo vệ các mặt hàng nông sản một cách khoa học và tuân thủ các quy định của ngành nông nghiệp và sản xuất hàng tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm