Theo thông tin từ Bộ Y tế, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm đã ghi nhận sự xuất hiện của biến thể phụ XBB tại tỉnh Tây Ninh và TP.HCM. Trước đó, vào ngày 5-1, thông tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết ngày 4-1-2023, Sở Y tế nhận được thông báo kết quả giải trình tự gene từ Tổ chức OUCRU (Đơn vị nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford). Theo đó, phát hiện 3/52 mẫu phết họng (từ người bệnh đang điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM) có biến thể XBB trong tháng 12-2022. Theo kết quả này, chiếm ưu thế vẫn là biến thể BA.2.75. Tuy nhiên, cả hệ thống giám sát tại bệnh viện và tại cộng đồng của TP.HCM đều chưa phát hiện biến thể XBB.1.5.
Biến thể XBB là một biến thể thuộc chủng Omicron đã lưu hành tại 35 quốc gia trên thế giới từ tháng 10-2022.
XBB thuộc biến thể Omicron xuất hiện từ việc tái tổ hợp của các biến thể phụ BA.2.10.1 và BA.2.75.
Còn biến thể phụ XBB.1.5 gây đợt bùng phát dịch mới ở Mỹ, ghi nhận tỉ lệ mắc biến thể này tăng từ 4% lên 41%.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng ĐH Y Dược TP.HCM, cho rằng các nghiên cứu ban đầu cho thấy biến thể phụ XBB không làm tăng độc lực của virus nhưng có khả năng lẩn tránh miễn dịch một phần. Vì vậy, các biến thể phụ này làm tăng nguy cơ tái nhiễm COVID-19 ở người từng nhiễm với các biến thể COVID-19 cũ (nhưng có lẽ không gia tăng nguy cơ tái nhiễm ở người đã bị nhiễm các biến thể Omicron). Các vaccine COVID-19 hiện có vẫn có bảo vệ không bị chuyển nặng hay tử vong ở các bệnh nhân bị nhiễm biến thể phụ XBB. Dù các biến thể phụ XBB có hiện tượng lẩn tránh miễn dịch nhưng khả năng xâm nhập tế bào bị kém hơn nên khả năng lây lan của biến thể phụ XBB bị giảm hơn so với các biến thể Omicron khác.
Tuy nhiên, theo PGS Dũng, nếu biến thể XBB.1.5 vẫn tiếp tục duy trì khả năng lây lan thì việc xâm nhập Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Nếu Việt Nam xuất hiện XBB.1.5 thì dự báo số ca mắc sẽ gia tăng. Tuy nhiên, điều này không đáng sợ bởi số ca nhập viện, số ca tử vong cũng không tăng nếu người dân tiêm ngừa vaccine đầy đủ theo khuyến cáo của ngành y tế và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch như: đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay thường xuyên, không tụ tập đông người nếu không cần thiết; tiêm chủng vaccine COVID-19 theo khuyến cáo của ngành y tế; theo dõi tự phát hiện và xét nghiệm COVID-19, đặc biệt ở người có nguy cơ bệnh tiến triển nặng, để có thể tự cách ly và được điều trị với thuốc kháng virus.
“Một điều giúp chúng ta có thể yên tâm là dù biến thể phụ này có khả năng lây lan nhanh hơn nhưng các vaccine COVID-19 hiện có vẫn có bảo vệ không bị chuyển nặng hay tử vong ở các bệnh nhân bị nhiễm biến thể XBB. Biến thể XBB có hiện tượng trốn thoát miễn dịch nhưng có tin tốt là các thuốc Molnupiravir, Remdesivir và Paxlovid vẫn có hiệu quả tốt với biến thể này. Molnupiravir thậm chí còn có hiệu lực tốt hơn đối với biến chủng này so với các biến chủng cổ điển” - PGS Dũng nói.
Tương tự, BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP.HCM, cũng cho biết việc xuất hiện biến thể phụ XBB là điều tất yếu và bình thường, người dân không nên quá hoang mang lo lắng. Theo BS Khanh, thực tế cho thấy biến chủng Ocmiro mặc dù lây lan nhanh nhưng không gây bệnh nặng như chủng Delta và không làm quá tải khối điều trị. Người dân nên xác định tâm lý sống chung với dịch và nâng cao sức đề kháng của bản thân, rửa tay, đeo khẩu trang để phòng không chỉ bệnh COVID-19 mà còn các bệnh truyền nhiễm khác.