Do ý chí của bệnh nhân không vững, có nhiều trường hợp chỉ mới ra viện được 2-3 hôm đã giấu gia đình uống rượu trở lại.
BS Tình kể cách đây ít lâu BV Tâm thần Hà Nội tiếp nhận một bệnh nhân nam ngoài 40 tuổi vào cai rượu. Người nhà bệnh nhân cho biết anh này uống khá nhiều rượu mỗi ngày và gần đây thường có hành vi cào cấu mặt, đập phá đồ đạc, thậm chí nghi ngờ vợ ngoại tình nên thường lôi vợ ra đánh sau khi nốc rượu.
Điều lạ là với bệnh nhân này, dù nhiều ngày trôi qua anh ta vẫn có triệu chứng nghiện rượu, tâm thần hoang tưởng, không dứt cơn theo đúng quy trình như đối với các bệnh nhân khác.
Sau khi kiểm tra chặt chẽ kíp trực và bệnh nhân, cuối cùng BS Tình mới phát hiện ra bệnh nhân này chưa cai nghiện được vì vẫn được vợ “tiếp tế” rượu. Để che mắt các y, bác sĩ, chị vợ cho rượu vào chai nước La Vie và để lẫn rượu trong những chai nước trên giường bệnh. Mỗi lần chồng lên cơn thèm rượu, chị ta lại cắm ống hút cho chồng uống. Khi phát hiện ra, BS Tình đã cho bệnh nhân này vào phòng chăm sóc đặc biệt, cách ly với gia đình.
Khi được hỏi tại sao lại làm như vậy, chị ta bảo vì chồng dọa đánh nên thấy sợ. Phần nữa vì thấy cảnh chồng vật vã thèm rượu nên chị ta lén mua rượu cho chồng uống.
Cũng theo BS Tình, hầu hết bệnh nhân nghiện rượu khi được đưa tới cơ sở y tế điều trị bệnh lý tâm thần thường bệnh đã nặng. Nhiều gia đình mang bệnh nhân đến và phó mặc cho bệnh viện, không quan tâm, chăm sóc vì quá kiệt quệ, chán nản bởi những gì mà các “con nghiện” đã gây ra.
TS NGUYỄN MINH PHONG, chuyên gia kinh tế: Nếu không ngăn chặn được nhập lậu thì cứ thay người đi Trước năm 2010, thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia ở mức khá cao nhưng sau đó lại được giảm. Việc giảm thuế suất đối với bia chai, bia lon từ 75% xuống 45%-50% lấy lý do là hỗ trợ các cơ sở sản xuất bia địa phương tái cơ cấu sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để đủ sức cạnh tranh, qua đó góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Tuy nhiên, việc giảm thuế đó đã khiến tăng lượng rượu bia tiêu thụ trong dân, lạm dụng rượu. Vì vậy mà thuế này đã được tăng lên, từ ngày 1-7-2015 tăng từ 50% lên 55%; từ ngày 1-1-2017 tăng lên 60%; từ ngày 1-1-2018 tăng lên 65%. Có thể tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia lên nữa. Tính toán tăng đến bao nhiêu thì còn tùy vào điều kiện cụ thể. Mặt khác, cũng phải xem xét các cam kết hội nhập như thế nào, mức thuế cam kết như thế nào, với các sản phẩm tương tự nhập khẩu như thế nào. Nguyên tắc là sản phẩm độ cồn càng cao thì thuế càng cao. Đương nhiên là doanh nghiệp sẽ kêu ca nhiều. Mặt khác, ngành rượu bia cũng đóng góp đáng kể cho ngân sách nên phải cân đối các mặt mới có thể tăng thuế và tăng bao nhiêu. Có điều, lập luận rằng tăng thuế trong nước sẽ khiến rượu bia nhập lậu gia tăng là không thể chấp nhận. Đây là hai việc hoàn toàn khác nhau. Nếu không ngăn chặn, hạn chế được nhập lậu thì cứ thay người đi. Còn tăng thuế thì cứ tăng để giảm lạm dụng rượu bia. Ông NGUYỄN VĂN VIỆT, Chủ tịch Hiệp hội Rượu - Bia- Nước giải khát Việt Nam: Nếu uống rượu bia có trách nhiệm thì không sao cả WHO đã đưa ra chương trình hành động phòng chống tác hại của việc lạm dụng đồ uống có cồn và Việt Nam đã hưởng ứng. Bộ Y tế đã nâng định hướng này lên thành Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia. Bản thân rượu bia không có tác hại, chỉ có lạm dụng rượu bia mới là tác hại. Hiện nay nếu người dân vẫn uống rượu bia có trách nhiệm thì không sao cả. Chúng ta cũng cần chú ý, hiện nay các doanh nghiệp nước ngoài đang chờ cơ hội để vào Việt Nam. Nếu Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia không được chuẩn bị tốt thì có thể mở đường cho rượu lậu, bia lậu tràn vào Việt Nam. Điều quan trọng hơn nữa là phải có công cụ quản lý được rượu thủ công, rượu lậu, bia lậu… tốt hơn. Hiện nay sản lượng rượu của Việt Nam là 67 triệu lít rượu tất cả các loại, mỗi người uống trung bình 0,7 lít/năm. Nhưng rượu cuốc lủi, rượu lậu tới 230 triệu lít/năm, trong khi rượu này không được quản lý về chất lượng, có hại cho người tiêu dùng, thất thu thuế. Chưa nước nào cấm uống bia, nếu chúng ta không lạm dụng thì bia không có tội gì cả, tội là ở những người lạm dụng. TS HUỲNH TRUNG MINH, chuyên gia kinh tế: Phải có nhiều biện pháp đồng bộ Việc kiểm soát rượu bia cần được thực hiện nghiêm túc. Cần kiểm tra gắt gao những quảng cáo, khuyến mãi rượu bia và đồ uống có cồn. Đồng thời phải có quy định cụ thể về đối tượng tiếp cận, nội dung, thời gian, không gian và quy định nhằm hạn chế tình trạng uống nhiều và say rượu bia đối với người lớn, đặc biệt là tại cộng đồng và trong gia đình. Nông thôn được đô thị hóa, số lượng lao động di cư từ nông thôn lên thành thị cũng không ngừng gia tăng. Hoạt động văn hóa, giải trí còn hạn chế, nhiều công nhân lao động sau giờ làm việc chỉ biết tụ tập uống rượu bia; giới văn phòng cũng vậy, vui cũng nhậu, buồn cũng nhậu, riết thành thói quen. Bạn mời mà không nhậu thì bị coi là không tôn trọng. |