Thượng nghị sĩ Nga: Căn cứ Cam Ranh là tài sản chiến lược

Thượng nghị sĩ Nga: Căn cứ Cam Ranh là tài sản chiến lược ảnh 1
Tàu chiến của Hải quân nhân dân Việt Nam đang hoạt động trong khu vực cảng Cam Ranh.

Trong bài viết đăng ngày 16/7, tờ NSN (Nga) trích lời thượng nghị sĩ Nga, Igor Morozov - thành viên Ủy ban đối ngoại Liên bang Nga, là một nhân viên tình báo kỳ cựu cho rằng, Nga đang góp phần hình thành một môi trường địa chính trị mới, với mục đích hình thành nên một thế giới đa cực. Trong bối cảnh như vậy, một trong những định hướng chiến lược của Nga là trở lại các căn cứ quân sự cũ của Liên Xô tại nước ngoài... 

Igor Morozov tin rằng, sau khi khôi phục lại trung tâm trinh sát vô tuyến điện tử của Nga tại Cuba, Nga sẽ làm điều tương tự tại căn cứ quân sự Cam Ranh Việt Nam.

Trước đó đã có những báo cáo cho biết rằng, Nga và Cuba đã đồng ý về việc Nga sẽ khôi phục lại trung tâm trinh sát vô tuyến điện tử Lourdes (gần Havana). Ý kiến của các chuyên gia quân sự cho biết rằng, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Trung tâm do thám điện tử này bảo đảm cung cấp cho Liên Xô tới 75% toàn bộ thông tin tình báo về Mỹ, được coi là “mỏ vàng tin tình báo”, đặc biệt là về khoa học kỹ thuật.

Theo ông Igor Morozov, thì giải pháp ở Cuba không phải là một động thái biểu dương lực lượng hay là sự thay đổi chính sách đối ngoại của Nga. Những sự kiện gần đây xảy ra ở châu Mỹ Latinh cho thấy Nga cần đóng một vài trò lớn hơn trong môi trường địa chính trị tại đây.

“Nga sẽ trở thành một siêu cường toàn cầu. Nga đang tạo nên môi trường địa chính trị mới. Chúng tôi cố gắng để đảm bảo rằng thế giới trở nên đa cực, do đó việc Nga trở lại Lourdes là một hành động tất yếu”, thượng nghị sỹ ông Igor Morozov nói. 

"Tôi nghĩ rằng có thể có thêm căn cứ quân sự khác, điều đó là cần thiết để bảo vệ các lợi ích chiến lược của Liên bang Nga. Chúng tôi hoan nghênh việc phát triển các căn cứ cơ sở của chúng tôi tại Địa Trung Hải. Tiếp theo chúng tôi sẽ có mặt tại Việt Nam. Tôi không nghĩ rằng việc trở lại Cam Ranh là tốn kém... Mục tiêu của chúng tôi là phải làm tất cả để mở rộng sự hiện diện của lực lượng hải quân Nga trên toàn cầu, điều đó là cần thiết để đảm bảo các lợi ích an ninh của Liên bang Nga trên thế giới"- ông Morozov cho biết.

Igor Morozov nhắc lại rằng căn cứ Cam Ranh tại Việt Nam là một tài sản chiến lược rất quan trọng trong thời kỳ Xô Viết, và các dự án kinh tế hiện nay của Nga với Việt Nam sẽ cung cấp cho chúng tôi một cơ hội để quay trở lại nơi này.

Thượng nghị sĩ Nga: Căn cứ Cam Ranh là tài sản chiến lược ảnh 2
Một góc quân cảng Cam Ranh.

Trong bài viết đăng hồi giữa tháng 1/2014, tờ TopWar của Nga đã có những phân tích khá kỹ càng về khả năng Nga sẽ phát triển mạng lưới căn cứ quân sự ở nước ngoài nhằm phục vụ cho một lực lượng quân sự hùng mạnh. Theo TopWar, các căn cứ quân sự ở nước ngoài giúp cải thiện đáng kể các khả năng chiến đấu của quân đội Nga và Nga cần căn cứ quân sự “như cần không khí để thở”.

Trong quá khứ, Nga đã từng sở hữu một lượng lớn căn cứ quân sự ở nước ngoài. Sau khi Liên Xô tan rã, số căn cứ quân sự này cũng giảm bớt, và nay quân đội Nga chỉ còn duy trì một vài căn cứ nằm ở Tajikistan, Armenia, Abkhazia (thuộc Nga) và Nam Ossetia (Gruzia). Ngoài ra, tại cảng thành phố Tartous (Syria) có điểm hậu cần cho Hải quân Nga. Họ đã bỏ căn cứ quân sự ở các nước xa xôi (Cuba và Việt Nam), cũng như tại các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây.

Những năm gần đây, Nga đã khởi động chương trình phát triển quân đội. Trong tương lai, đối với Hải quân Nga, việc tăng cường khả năng chiến đấu có thể đạt được nhờ sử dụng các căn cứ quân sự ở nước ngoài. Như sự kiện trong những tháng gần đây cho thấy, quân đội Nga có thể có những kế hoạch như vậy. Trong thời gian qua, Nga đã tiến hành một số bước đi, dù theo cách này hay cách kia đều sẽ tăng cường khả năng phòng thủ của lực lượng vũ trang Nga.

Quân đội Xô viết và sau này là quân đội Nga đã sử dụng Cam Ranh từ năm 1979. Cam Ranh đã trở thành căn cứ lớn nhất của quân đội Xôviết ở nước ngoài với tổng diện tích 100 km2. Năm 2001, lãnh đạo Nga quyết định không gia hạn thỏa thuận thuê và đóng cửa căn cứ này. Nguyên nhân là phía Việt Nam đề nghị đưa vào thỏa thuận điều khoản trả tiền thuê, cũng như căn cứ không còn cần thiết. Giữa năm 2002, những binh sĩ Nga cuối cùng rời căn cứ này.

Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tới Hà Nội hồi tháng 4/2013 đã chứng minh tầm quan trọng của hợp tác hàng hải Nga – Việt. Hai bên đã chính thức nhất trí để Nga hỗ trợ cải tạo cảng Cam Ranh nằm ở khu vực miền trung Việt Nam. Mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã cố gắng làm nhẹ bớt tầm quan trọng của sự kiện này nhưng rõ ràng, tầm trọng về mặt chiến lược và quân sự của Cam Ranh đối với Nga là không thể bỏ qua.

Nằm gần các tuyến hàng hải quan trọng trong khu vực Biển Đông và gần khu vực giàu dầu mỏ quanh các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, vịnh Cam Ranh có tầm quan trọng chiến lược lớn. Trong lịch sử, tầm chiến lược của của cảng này có thể được đánh giá qua thực tế một số nước bao gồm Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Liên Xô … trước đây đã có căn cứ ở đây. Mối quan tâm trở lại của Nga đối với Cam Ranh có ý nghĩa chiến lược này là một yếu tố quan trọng trong một loạt sự kiện củng cố mối quan hệ hàng hải với Việt Nam.

Chứng minh tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam đối với Nga, cựu Tư lệnh Hải quân Nga – Đô đốc Viktor Kravchenkoonce nói: “Nếu Nga vẫn coi mình là một cường quốc hàng hải, việc phục hồi các căn cứ như cảng Cam Ranh là không thể tránh khỏi”.

Theo Trần Phong/Infonet

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm