Thương tâm: Bệnh nhân bị cắt cụt tứ chi vì phỏng điện

BV Chợ Rẫy vừa điều trị cho hai trường hợp phỏng điện rất thương tâm, khi cả hai người bệnh đều phải đoạn chi do phỏng điện quá sâu.

Chiều 19-6, TS-BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phỏng – Phẫu thuật tạo hình BV Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết, khoa vừa điều trị cho 2 ca phỏng điện rất nặng. Hiện hai bệnh nhân đã qua nguy kịch nhưng phải chịu cảnh tàn tật suốt đời do bị cắt cụt tứ chi, hoàn cảnh rất khó khăn. 

Bệnh nhân Sóc Chanh (sinh năm 1980, người Campuchia) nhập viện ngày 10-6 với chẩn đoán phỏng điện độ 2, 3, 4 với diện tích 16% ở tứ chi. Người nhà bệnh nhân cho biết, trước đó 3 ngày, bệnh nhân leo lên mái để sửa nhà, chạm vào đường dây điện cao thế nên bị phóng điện vào người ngã xuống. Bệnh nhân được đưa vào sơ cứu tại một BV ở Campuchia và sau đó chuyển đến BV Chợ Rẫy.

Bệnh nhân Sóc Chanh và vợ thẫn thờ sau vụ tai nạn. Ảnh: HL

Khi vào BV Chợ Rẫy, hai tay bệnh nhân đã lạnh, co quắp, các bác sĩ tiên lượng từ đầu là sẽ khó giữ được do phỏng quá sâu. Do đó, các bác sĩ buộc phải cắt cụt 1/3 trên cẳng tay phải và trái. Hai chân của bệnh nhân cũng bị phỏng sâu, các bác sĩ đã cắt lọc các phần hoại tử, cố gắng giữ chân nhưng cuối cùng vẫn phải cắt 1/3 giữa cẳng chân của cả 2 bên. Sau 10 ngày điều trị, bệnh nhân giữ được tính mạng

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân Nguyễn Anh Khoa (sinh năm 1978, ngụ tại Hoài Ân, Bình Định) nhập viện ngày 4-5. Lúc nhập viện, tình trạng bệnh nhân bị phỏng điện 12% độ 2, 3, 4 ở 2 tay và chân trái, phỏng sâu 2 cẳng tay. Ngoài ra, bệnh nhân còn vết thương vùng đầu.

Người nhà cho biết anh Khoa là thợ hồ, khi đang kéo cây sắt lên cao làm nhà thì bị điện giật, ngã từ độ cao 4m, chấn thương sọ não. Bệnh nhân đã được đưa vào BV địa phương để mổ vết thương đầu, sau đó chuyển BV Chợ Rẫy. Từ khi nhập viện, bệnh nhân đã phải trải qua 7 lần mổ để cắt lọc các phần hoại tử và cuối cùng phải cắt cụt 1/3 trên cẳng chân trái, 1/3 trên cẳng tay trái và 1/3 giữa cẳng tay phải.

Anh Khoa trở thành người tàn tật chỉ vì thiếu hiểu biết. Ảnh: HL

BS Hiệp cho biết, phỏng điện có 2 loại: phỏng do tia lửa điện và phỏng do luồng điện. Trong đó, tia lửa điện phát ra trong thời gian ngắn ít gây phỏng sâu như phỏng dòng điện vì lúc này cơ thể con người giống như một điện trở, dòng điện cực nóng đi qua cơ thể gây phỏng vào tận trong xương khớp, gan ruột, não, tim gây tổn thương nặng nề toàn thân và tại chỗ trên đường đi của dòng điện.

Số bệnh nhân bị tai nạn phỏng điện tại khoa Phỏng – Phẫu thuật tạo hình chiếm 15 – 20%, trong đó 1/3 số bệnh nhân có biến chứng hoại tử chi và phải cắt cụt chi. Hiện trong khoa có 15 ca phỏng điện, trong đó 5 ca phải đoạn chi.

Theo BS Hiệp, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến phỏng điện là do chủ quan, không đảm bảo các điều kiện khoảng cách an toàn về điện. Đây là tai nạn hoàn toàn có thể phòng tránh nếu bệnh nhân giữ khoảng cách an toàn từ 1,5-2m.

Phỏng điện để lại hậu quả rất nặng nề. Người bệnh chủ yếu đang trong độ tuổi lao động, sau khi cứu sống, đoạn chi sẽ phải chịu cảnh tàn phế suốt đời, cuộc sống sẽ vô cùng khó khăn. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới