Thương vụ Việt Nam tại Pakistan mong doanh nghiệp luôn nhớ một câu ca dao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 6-9, Thương vụ Việt Nam tại Pakistan (Bộ Công Thương) đã chia sẻ một bài học đắt giá của một doanh nghiệp (DN) Việt Nam khi không tuân thủ tập quán thương mại quốc tế dẫn đến thiệt hại nặng nề.

Đã giao hàng nhưng không nhận được thanh toán

Theo đó, vào ngày 15-12-2020, một DN tại Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu chè sang Pakistan với công ty Rehman Internatinonal (Pakistan).

Từ ngày 7-1 đến ngày 5-2, DN Việt Nam đã giao năm container chè đến cảng Karachi với tổng trị giá 138.289,5 USD. Sau khi hàng đến cảng, DN này đã liên hệ nhiều lần với công ty Rehman Internatinonal nhưng vẫn chưa nhận được thanh toán.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là DN Việt Nam đã không tuân thủ các điều kiện buôn bán quốc tế, không yêu cầu khách mở L/C hoặt đặt cọc để đảm bảo thực hiện hợp đồng và xử lý tình huống khách vi phạm hợp đồng. 

Một doanh nghiệp xuất khẩu chè của Việt Nam không tuân thủ tập quán thương mại quốc tế dẫn đến thiệt hại nặng nề. Ảnh minh họa

Sau rất nhiều lần bị thất hứa, đến ngày 3-7 DN mới gửi thư cầu cứu đến Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan.

Ngày 5-7, Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan, Bộ phận Thương vụ đã làm việc ngay với lãnh đạo Hải quan cảng Karachi thông báo sự việc. Đồng thời yêu cầu xử lý theo quy định của pháp luật Pakistan để ngăn chặn các hành vi gây thiệt hại đến quyền lợi của DN xuất khẩu Việt Nam.

Bên cạnh đó nhờ đối tác của Thương vụ hỗ trợ, gây sức ép buộc ông Ibad Ur Rehman, giám đốc công ty Rehman Internatinonal thực hiện việc thanh toán.

Thương vụ cũng đồng thời tư vấn cho DN chuẩn bị phương án bán năm container chè cho khách hàng khác và giới thiệu đối tác để công ty Việt Nam đàm phán bán chè.

Thế nhưng, DN này vẫn tiếp tục tin lời hứa thanh toán của phía công ty Rehman Internatinonal và không tích cực tìm cách khác xử lý vụ việc.

Hậu quả đến hết tháng 8-2021, các chi phí phát sinh do việc hàng bị tồn đọng tại cảng Karachi đã lên tới hơn 100.000 USD, gần tương đương với trị giá của toàn bộ lô hàng.

Đến thời điểm này, mặc dù Thương vụ hết sức cố gắng làm việc với tất cả các đối tác để tìm người mua nhưng hầu hết các đối tác đều từ chối vì số lượng hàng này đã nằm ở cảng quá lâu.

Vụ việc ngày càng bế tắc

Trước tình hình đó, Thương vụ Việt Nam tại Pakistan đã khẩn cấp đề nghị DN xem xét lập hồ sơ trình báo vụ việc cho cơ quan công an Việt Nam.

Trên cơ sở đó, kiến nghị Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Việt Nam xem xét thực hiện việc cấm xuất cảnh và hạn chế đi lại đối với ông Khalil Ur Rehman là cộng sự, anh ruột của ông Ibad Ur Rehman hiện đang ở Việt Nam để gây sức ép và đảm bảo trách nhiệm phối hợp xử lý các container chè tại cảng Karachi.

Đồng thời báo cáo Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan kiến nghị đưa ông Ibad Ur Rehman vào danh sách công dân Pakistan đang có tranh chấp với DN Việt Nam.

Thương vụ cũng thông báo cho DN này biết tất cả các đối tác Pakistan đều khuyên làm thủ tục tái xuất ngay lô hàng này trở lại Việt Nam để hạn chế thiệt hại phát sinh thêm.

Tuy nhiên, DN này lại liên hệ với một tổ chức có tên là Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Quốc tế đề nghị hỗ trợ, mong muốn tổ chức này ứng toàn bộ chi phí giải cứu lô hàng, sau đó công ty sẽ hoàn trả từ tiền bán lô hàng.

Đáp lại, tổ chức nói trên yêu cầu công ty làm thủ tục và chịu mọi chi phí giải cứu lô hàng, sau đó tổ chức mới tiến hành kiểm tra chất lượng và đàm phán mua hàng. Vụ việc tiếp tục lâm vào bế tắc.

Theo tính toán sơ bộ của một đại lý hải quan tại Karachi, nếu để lô hàng tại cảng đến ngày 15-9 thì các chi phí phát sinh sẽ lên đến khoảng 140.000 USD và DN đứng trước nguy cơ thiệt hại toàn bộ lô hàng.

Ngoài ra, công ty còn có thể bị hai hãng tàu OOCL và WANHAI khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại gây ra cho họ.

Trước trường hợp nêu trên, Thương vụ Việt Nam tại Pakistan rất mong các DN Việt Nam luôn nhớ tới câu ca dao thời hội nhập quốc tế:

“Tin anh em để trong lòng

Buôn bán quốc tế em phục tùng Incoterms"

(Incoterms là cách nói ngắn gọn và dễ hiểu về các Điều khoản Thương mại quốc tế).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm