Thủy điện đe dọa nguồn sống đồng bằng sông Cửu Long

Cuối tháng 7, đã sắp đến mùa nước nổi nhưng nhiều người dân ở vùng Đồng Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp, Long An) lại tỏ ra không mấy hào hứng. “Mấy năm gần đây cá đồng ngày càng ít dần, vào mùa nước nổi cá linh mua vào cũng chẳng được bao nhiêu” - một người bán cá ở chợ Bàu Sậy, chợ bán cá đồng nổi tiếng ở huyện Vĩnh Hưng, Long An, hờ hững nói khi PV Pháp Luật TP.HCMhỏi đặt mua cá linh, loài cá đặc trưng của mùa lũ ở ĐBSCL.

Cá tôm ít dần, mưu sinh khốn khó

Do nằm cuối dòng Mê Kông nên lượng cá đồng ở ĐBSCL phụ thuộc vào lượng cá ở sông Tonle Sap, Campuchia (còn gọi là Biển Hồ). Tuy nhiên, trong những năm gần đây lượng cá ở Biển Hồ cũng sút giảm nghiêm trọng.

Ông Võ Văn Đầy, 68 tuổi, nguyên trưởng ấp 7 ở Biển Hồ thuộc xã Chong Khơ Nia, huyện Siêm Riệp, tỉnh Siêm Riệp, Campuchia, cho biết nếu so với những năm trước đây thì lượng cá ở đây giảm hơn một nửa. “Cá giảm dần nên nhiều gia đình người Việt sống bằng nghề đánh bắt cá trên Biển Hồ lâm vào cảnh khốn khó, họ phải bỏ đi nơi khác tìm kế mưu sinh” - ông Đầy nói.

Theo Trung tâm Quản lý môi trường quốc tế (ICEM), có đến 70% dân số trong lưu vực Mê Kông là dân cư nông thôn, sinh kế chủ yếu dựa vào thủy sản nội địa. Vì thế, việc hình thành các đập thủy điện hệ thống sông Mê Kông sẽ là mối đe dọa đối với sinh kế của hàng triệu người, gây mất an ninh lương thực. Nếu cả 11 đập thủy điện trên dòng chính Mê Kông được xây dựng thì đến năm 2030, tài nguyên cá bị tổn thất vào khoảng 550.000-880.000 tấn, giảm 26%-42% so với năm 2000.

“Ngoài lượng cá sụt giảm, đất trồng trọt ven sông Mê Kông có thể giảm đến 54% để nhường diện tích cho các hồ chứa cùng với hệ thống truyền dẫn điện, ước tính thiệt hại khoảng 25,1 triệu USD/năm. Khi cả 11 đập hình thành, lượng phù sa sẽ tiếp tục giảm, chỉ còn khoảng 25% lượng phù sa hiện nay (còn khoảng 42 triệu tấn/năm). Lượng phù sa lơ lửng vô cùng quan trọng đối với việc vận chuyển dinh dưỡng, phân bón tự nhiên cho hệ sinh thái Tonle Sap và khoảng 23.000-28.000 km2 đồng bằng ngập lũ ở Campuchia và Việt Nam. Việc giảm dinh dưỡng sẽ đòi hỏi phải bù tương đương 24 triệu USD/năm để duy trì năng suất nông nghiệp của các đồng bằng” - ICEM nhận định.

Sinh kế của người dân ĐBSCL dọc dòng Mê Kông sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hệ thống đập thủy điện. Ảnh: TRUNG THANH

Các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông sẽ làm sụt giảm lượng phù sa và số lượng cá đáng kể cho khu vực hạ nguồn. Ảnh: Mạng lưới sông ngòi Việt Nam

Thủy sản và nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nhất

Ông Nguyễn Nhân Quảng, chuyên gia về quản lý lưu vực sông, cho rằng với hệ thống đập thủy điện cũng như các hồ thủy lợi đang chuyển nước từ Mê Kông, trong thời gian tới ĐBSCL rất khó có được những mùa “lũ đẹp” (mực nước dâng cao vừa phải và cung cấp nhiều phù sa, cá tôm…) như trước đây.

Các nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông do Bộ TN&MT chủ trì thực hiện cũng cho thấy ngành thủy sản và sản xuất nông nghiệp của ĐBSCL chịu ảnh hưởng nặng nhất. Cụ thể, các đập thủy điện hoạt động như những rào chắn trên sông, gây thiệt hại đáng kể về sản lượng cá di cư. Các tác động rõ rệt nhất được ghi nhận là về cá trắng, sản lượng có thể giảm bớt khoảng 277.000 tấn/năm.

Các chuyên gia của Trung tâm Quản lý môi trường quốc tế (ICEM) cũng cho rằng sự hình thành các hồ chứa trên dòng Mê Kông sẽ dẫn đến sự tuyệt diệt của một số loài sinh vật quý hiếm, chẳng hạn cá heo Irrawaddy, các loài cá da trơn… Những tổn thất về đa dạng sinh học ở vùng hạ lưu Mê Kông là vĩnh viễn, không thể đền bù hay khắc phục được. 

Cá trắng được xem là loài có giá trị cao nhất ở Mê Kông, vì thế việc giảm sút số lượng ảnh hưởng lớn đến tổng thu nhập của vùng, đồng thời gây tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế. Trong tổng mức tổn thất doanh thu 12,2 ngàn tỉ đồng (tương đương 575 triệu USD) của ngành thủy sản, các nghiên cứu xác định có trên 90% mức tổn thất này có liên quan tới mức sụt giảm cá trắng. Thu nhập của ngư dân bị sụt giảm lên tới 1,6 ngàn tỉ đồng (tương đương 75,4 triệu USD). Từ đó dẫn đến mức sụt giảm GDP tại khu vực lên tới hơn 3,4 ngàn tỉ đồng.

TS Dương Văn Ni tại ĐH Cần Thơ, người có nhiều năm theo đuổi các đề tài nghiên cứu về tác động của đập thủy điện trên dòng Mê Kông đến ĐBSCL, cho biết lượng cá giảm sút không chỉ gây thiệt hại cho người dân mà kéo theo rất nhiều hệ lụy khôn lường. “Với xu hướng lượng nước trên Mê Kông chảy về ĐBSCL ngày càng ít thì các loài cá di cư như cá linh, cá trèn... sẽ ngày càng giảm sút. Cá ít dần nên các loài động vật hoang dã khác như chim, rắn… mất đi nguồn thức ăn nên cũng giảm theo. Từ đó những giá trị từ hệ sinh thái của vùng ĐBSCL, nhất là hệ sinh thái đầm ngập nước cũng mất dần” - TS Ni giải thích.

Cất công sang tận Mỹ để tìm hiểu

Theo TS Dương Văn Ni, lo ngại lớn nhất về thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông không chỉ là gây thiếu nước cho hạ nguồn mà là vấn đề làm sụt giảm phù sa, dẫn đến gia tăng sạt lở, giảm năng suất trồng trọt... Bên cạnh đó, thủy điện còn làm cho lượng nước từ thượng nguồn về hạ nguồn tăng giảm thất thường, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động liên quan đến sinh kế của người dân.  

Về thông tin một số chủ đầu tư thủy điện cho rằng với công nghệ hiện đại, tuabin của thủy điện sẽ không làm tổn hại đến các đàn cá di cư trên dòng Mê Kông, TS Ni cho biết ông và một số nhà khoa học đã cất công sang tận Mỹ gặp nhóm chế tạo công nghệ này và được giải thích rằng công nghệ mới này chỉ hạn chế phần nào mức độ ảnh hưởng mà thôi, chứ không thể đảm bảo an toàn cho đàn cá.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới