Thủy điện ‘khát nước’ kỷ lục

“Cả năm 2019, thủy điện A Vương chỉ sản xuất được 62% sản lượng điện theo kế hoạch, thấp nhất trong 11 năm phát điện. Chuỗi thủy văn hiện nay gần giống giai đoạn 1982-1983 nhưng 2019 là năm kiệt nhất trong tổng số 43 năm có số liệu quan trắc của lưu vực A Vương”. ông Ngô Xuân Thế, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện A Vương, nói như trên về tình hình thiếu nước nghiêm trọng đang diễn ra.

Xâm nhập mặn

9 giờ ngày 26-12, độ mặn trong nước tại cửa thu sông Cầu Đỏ đột ngột tăng lên 1.000 mg/l, mức không thể sử dụng để xử lý thành nước sạch sinh hoạt. Nhà máy nước Cầu Đỏ lập tức báo cáo cho Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) và được chỉ đạo khởi động ngay trạm bơm An Trạch để lấy nước đẩy mặn. Đó là quy trình khẩn được Dawaco khiển khai những ngày qua, dù là đang trong mùa mưa.

Ông Hồ Hương, Tổng giám đốc Dawaco, cho biết lượng mưa năm nay ít hơn trung bình nhiều năm. Trong khoảng thời gian từ 9 giờ đến 11 giờ và từ 17 giờ đến 20 giờ hằng ngày, theo nước triều dâng, độ mặn tại sông Cầu Đỏ lên xấp xỉ 1.000 mg/l. Từ ngày 22-12 đến nay phải dùng thêm trạm bơm An Trạch đẩy mặn cho Cầu Đỏ khi độ mặn lên trên 250 mg/l.

Theo ông Hương, các thủy điện đang có mực nước thấp, dự báo tình hình năm 2020 tiếp tục hạn hán nặng, nguy cơ nhiễm mặn cao. Trước tình hình này, Dawaco vừa báo cáo lãnh đạo TP Đà Nẵng các phương án đảm bảo nước sinh hoạt.

“Hiện lãnh đạo TP đang xem xét các phương án công ty trình lên, trong đó có việc đắp đập tạm ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ. Đập tạm này phải làm thôi, trong lúc chờ các dự án mới của TP” - ông Hương nói.

Đồng thời ông Hương cho hay đơn vị tư vấn đang nghiên cứu về vốn, công nghệ làm đập tạm bằng cừ larsen và dự kiến làm ở đoạn sông giữa cầu Cẩm Lệ và cầu Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ).

Còn tại Quảng Nam, hạn hán và xâm nhập mặn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến mùa vụ của nông dân. Thậm chí Sở NN&PTNT tỉnh khuyến cáo người dân canh tác ở những vùng không chủ động nguồn nước có phương án chuyển đổi cây trồng, ưu tiên gieo giống ngắn ngày, giống cây trồng chịu hạn để hạn chế nước tưới.

Hồ thủy điện A Vương hiện có mực nước chưa đến 30% dung tích hữu ích. Ảnh: TL

Thủy điện lay lắt

Ngược lên thượng nguồn lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam), các hồ chứa thủy điện chung cảnh “khát nước”.

Trao đổi với PV, ông Ngô Xuân Thế than thở năm 2019, mặc dù đã có bảy cơn bão nhưng mưa chủ yếu đồng bằng, không có trên núi, thậm chí lượng mưa năm nay còn ít hơn mùa khô của một số năm.

Theo ông Thế, không đợi đến khi Đà Nẵng và Quảng Nam đề nghị, đơn vị đã chủ động ngừng phát điện tại thủy điện A Vương từ ngày 1-12 để tích nước. Nhờ vậy, lượng nước trong hồ A Vương hiện đạt gấp đôi mùa cạn năm 2018, hơn 60 triệu m3. Nhưng dung tích hữu ích của hồ A Vương là đến 266 triệu m3.

Hai địa phương đang có những động thái tích cực. Quảng Nam bắt đầu làm đập tạm ở cầu Tứ Câu, Đà Nẵng cũng có kế hoạch lắp đập tạm ngăn mặn. Như vậy nước sinh hoạt và nông nghiệp năm 2020 sẽ đỡ hơn nhiều so với năm 2019.

ông NGÔ XUÂN THẾ, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần
Thủy điện A Vương
 

Ông Lê Đình Bản, Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Bung, cho hay mực nước tại hồ thủy điện Sông Bung 2 hiện chỉ đạt 30% dung tích hữu ích. Riêng tại hồ Sông Bung 4, mực nước đạt 70% dung tích hữu ích (khoảng 171 triệu m3 nước) nhờ ngừng phát điện từ ngày 30-11 đến nay theo đề nghị của tỉnh Quảng Nam.

“Khi nào hạ du Quảng Nam thiếu nước và có đề nghị thì mình cho phát điện lại. Thời gian qua không có mưa, mùa mưa năm nay lượng mưa chỉ đạt 30%-40% so với trung bình nhiều năm” - ông Bản nói.

Chung tình cảnh, thủy điện Sông Tranh 2 gần như không phát điện trong tháng 12 này để tập trung tích nước. Nhờ vậy, mực nước tại hồ Sông Tranh 2 đang cách mực nước dâng bình thường 1 m. Theo ông Nguyễn Văn Lân, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh, tình trạng thiếu nước ảnh hưởng lớn đến kế hoạch hòa lưới điện. Đến nay Sông Tranh 2 chỉ đạt chưa tới 60% kế hoạch sản lượng điện năm 2019.

Ông Phan Văn Chín, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam, cho biết đã báo cáo với HĐND tỉnh về những lo lắng cho nguồn thu ngân sách. Trong đó, một phần nguyên nhân hụt thu của năm 2019 được xác định là do thời tiết khô hạn kéo dài, các nhà máy thủy điện không đủ nước phát điện theo công suất thiết kế. Do đó ước thu chỉ đạt 350 tỉ đồng, đạt 58% dự toán.

Sớm triển khai Nhà máy nước Hòa Liên

Tại cuộc họp mới đây, ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, đã đề nghị UBND TP báo cáo xin chủ trương Thành ủy về bất cập trong đấu thầu dự án Nhà máy nước Hòa Liên để sớm có hướng triển khai thực hiện. Ông Trung cũng yêu cầu Dawaco phấn đấu khởi công dự án nâng cấp trạm bơm An Trạch vào giữa năm 2020, hoàn thành vào tháng 4-2021.

Dự kiến đập tạm ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ cũng sẽ được đắp trước tết Nguyên đán để đảm bảo cấp nước cho Đà Nẵng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm