Đầu năm đến nay, xứ Thuận Hóa mưa ít hơn so với nhiều năm, còn nhiệt độ thì ngược lại. Ở Thừa Thiên Huế đã có 10 đợt nắng gay gắt, có thời điểm “xác lập kỉ lục” so với cùng kì như huyện Nam Đông có ngày đạt 41oC, Huế đạt 40.6oC. Dưới cái nắng như lửa đốt cộng với thiếu nước tưới đã khiến những cánh đồng héo úa từng ngày.
Cánh đồng chết
Những ngày cuối tháng bảy, trong khi cơn bão số 3 đang đe dọa tại khu vực miền Bắc nước ta thì miền Trung, không khí ngột ngạt bởi nắng nóng vẫn còn bao trùm. Hạn hán khiến cây đậu phộng - một loài chịu hạn tốt cũng đang héo úa thì cây lúa nước gần như không còn "cửa" sống.
Phong Sơn (huyện Phong Điền) là một trong 109 xã của tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa điêu đứng với dịch tả heo châu Phi. Những ngày này, họ lại lặng thinh nhìn những cánh đồng lúa đang khô dần. Kênh rạch cạn nước trong giai đoạn nhạy cảm - thời kì lúa trổ bông.
Ông Doanh đứng giữa đồng lúa bị thiệt hại do hạn hán. Ảnh: NGUYỄN DO
Cạn nước, người dân HTX Tây Sơn huy động tối đa lực lượng ra canh chừng ở kênh thủy lợi. Bất kể đêm ngày, mỗi lần có nước đổ về là thay nhau đưa nước vào đồng ruộng nhà mình.
"Chú coi bông lúa này đi, nhìn nhiều hạt thế thôi nhưng dùng tay sờ thì chỉ có một vài hạt có sữa bên trong, còn lại là dẹp hết"- ông Phan Ngọc Doanh (68 tuổi) vừa ngắt một chẹn lúa dưới đồng lên chứng minh cho tác hại của thiếu nước trước và trong giai đoạn trổ bông.
Các cánh đồng của người dân phụ thuộc vào nguồn nước hồ Hòa Mỹ điều gặp cảnh tương tự. Nhiều cánh đồng nằm ở vị trí cao, khô hơn thì gần như bị chết cháy hoặc còi cọt không trổ bông được dù đã đến tháng. Hạn hán, khiến những bông lúa trên cánh đồng còi cọt dần rồi vàng khô, chỉ có những cây cỏ dại vươn lên um tùm.
"Nếu những ngày tới không có mưa, khoảng 400 ha lúa của người dân tại xã Phong Sơn, Phong Xuân, Phong Mỹ có thể mất trắng" - ông Trịnh Đức Hùng Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho hay.
Nguồn nước cạn kiệt
Quản lý hồ thủy lợi Hòa Mỹ - nơi cung cấp nước tưới cho HTX Tây Sơn và các HTX khác của xã Phong Sơn, Phong Xuân, Phong Mỹ (huyện Phong Điền) tiến hành cuộc họp để thông báo chỉ còn cung cấp nước được thêm vài hôm nữa.
Ông Doanh là người quản lý thủy lợi của HTX Tây Sơn nên có tham gia cuộc họp đó. Khi trở về, ông cảm thấy dòng nước bắt đầu yếu dần rồi chấm dứt hẳn. Cả HTX không chịu buông xuôi nên đi thuê máy bơn nước và bàn biện pháp chóng hạn.
Hồ Hòa Mỹ cạn kiệt nước. Ảnh: NGUYỄN DO
Thuê 3 máy bơm, để có nước bơm vào đồng, người dân trong HTX phụ nhau vét sâu một đoạn trên khúc sông cạn để nước tụ về. Đủ sâu, các máy bơm nổ máy đưa nước vào các dòng kênh thủy lợi để tản đi cả cánh đồng. Bình thường, nước sẽ chảy theo dòng kênh đến các ruộng, khi no nước thì người dân chủ động giữ nước lại trong ruộng nhà mình.
Nhưng suy đi tính lại, nếu áp dụng như thế thì không đủ nước đến những ruộng nằm ở xa dòng kênh. Mọi người ngồi lại bàn. Rồi rút ra kết luận sẽ tập trung cho nước đi một mũi, khi đủ nước sẽ tiếp tục triển khai đi đường khác. Đồng thời mở một số đoạn bờ đê bằng đất dùng chia ranh giới để các thửa ruộng thông với nhau. Nước bơm vào ruộng đầu tiên sẽ tràn ra các ruộng lân cạnh, nước sẽ lên và xuống cùng nhau.
HTX sử dụng máy để bơm nước vào ruộng nhưng thất bại. Ảnh: NGUYỄN DO
Nhìn đồng ruộng lại ngập nước, mọi người vui mừng vì cơ hội đồng lúa được cứu. Nhưng quan trọng hơn là tạo ra một kịch bản để đối phó với hạn hán. Bơm được vài ngày thì hồ cạn. Máy bơm không thể bơm được nữa, các ruộng lúa không có một giọt nước nào từ 26-7 đến nay.
"Tây Sơn là một HTX chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt hán hán này. Biết là còn nước còn tát, chúng tôi cũng đã nỗ lực để hỗ trợ bà con, nhưng đến thời điểm hiện tại mọi nơi điều khô hạn, lấy nước đâu mà tát nên chỉ còn trong vào mưa" - Chủ tịch UBND Phong Điền nói.
"Hồ Hòa Mỹ lần đâu tiên cạn nước" một cán bộ thủy lợi về kiểm tra tại khu vực lòng hồ nói. Đập Quao - hồ Hòa Mỹ hoàn thành đưa vào sử dụng khoảng năm 1994 với dung tích chứa gần 10 triệu m3. Khi mới đưa vào sử dụng người ta gọi đây là kì tích vì giúp hồi sinh vùng đất chết. Hoa màu, rau của người dân trở nên xanh tốt bốn mùa nhờ nguồn nước tưới dồi dào quanh năm. Thế nhưng, mùa khô năm 2019, giữa hồ chỉ còn những ao nước nhỏ, nhiều chỗ trơ đáy, cá chết rất nhiều.
Những con cá chết giữa lòng hồ. Ảnh: NGUYỄN DO
Bà Nguyễn Thị Như Quỳnh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phong Điền cho biết, nắng nóng kéo dài gây thiệt hại nhiều diện tích lúa, hoa màu đã đẩy người nông dân vào tình cảnh khó khăn. Vì thế, ngoài các giải pháp chống hạn, cứu lúa, Hội cũng đã lập nhiều kế hoạch để giúp đỡ nông dân trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vay vốn, thực hiện các mô hình sinh kế phát triển kinh tế hộ gia đình.
Người dân chỉ còn trong chờ vào những cơn mưa. Ảnh: NGUYỄN DO
Trong tình hình thiên tai và biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, để chủ động đối phó, khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống của nhân dân đối phó với hạn hán, xâm nhập mặn năm 2019, Sở NNPTNT đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế báo cáo trung ương hỗ trợ cho địa phương số tiền 76,3 tỉ đồng để hỗ trợ kinh phí tiền điện, dầu vượt định mức và sửa chữa các công trình thủy lợi, nước sạch để đảm bảo nguồn nước. |