Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên-Huế cũng xảy ra cháy rừng. Với các đám cháy kéo dài nhiều ngày ở Nghệ An, Hà Tĩnh, cơ quan chức năng đã huy động hàng chục ngàn lượt người tham gia chữa cháy. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã trực tiếp về địa phương chỉ đạo công tác chữa cháy tại hai địa phương này.
Đã có người tử vong, bị thương khi “chống trả giặc lửa”.
Rừng nhiều tỉnh miền Trung bị cháy
Đến chiều 1-7, tất cả gần 10 điểm cháy rừng ở Nghệ An, Hà Tĩnh trong những ngày qua đã được dập tắt hoàn toàn.
Tại Quảng Ngãi, chiều 1-7, ông Trần Phước Hiền, Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ, cho hay lực lượng chức năng đã cơ bản khống chế được vụ cháy rừng xảy ra tại xã Phổ Cường.
Trước đó, chiều 30-6, lửa bùng phát tại rừng keo. Lực lượng PCCC và người dân địa phương đã cùng nhau dập lửa. Đến tối cùng ngày, lửa bất ngờ bùng phát trở lại và cháy dữ dội. Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi đã đến hiện trường thị sát và sáng sớm 1-7, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ PCCC tỉnh Quảng Ngãi đã được huy động đến hiện trường dập lửa. Tới trưa thì hỏa hoạn cơ bản được khống chế. Lực lượng PCCC vẫn bám trụ hiện trường đề phòng lửa tái phát. Theo lãnh đạo huyện Đức Phổ, rừng sản xuất của người dân bị cháy là rừng keo 2-3 năm tuổi, tổng diện tích thiệt hại hơn 30 ha.
Tại Thừa Thiên-Huế, ngày 1-7, Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Trà cho biết trong quá trình chữa cháy rừng thông, một cán bộ của đơn vị bị thương, được đưa vào BV Trung ương Huế điều trị.
Chiều 28-6 xảy ra cháy rừng tại phường Hương Hồ, ông Hà Văn Thạch (cán bộ Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Trà) cùng với nhiều người khác đến hiện trường để tham gia chữa cháy.
Trong quá trình chữa cháy cứu rừng thông của Hợp tác xã nông nghiệp Hương Hồ 1, ông Thạch đã bị lửa bao vây, gây bỏng toàn mặt và hai bàn tay.
Tại Thừa Thiên-Huế, vào những ngày cuối tháng 6, do thời tiết nắng nóng gay gắt nên đã liên tiếp xảy ra ba vụ cháy rừng tại bốn phường, xã thuộc thị xã Hương Thủy và Hương Trà với tổng diện tích thiệt hại khoảng 82 ha.
Ở Quảng Nam, chiều 1-7, tại khối phường Hòa Thuận, TP Tam Kỳ cũng xảy ra vụ cháy rừng keo của một doanh nghiệp trên địa bàn.
Do thời tiết hanh khô kèm gió mạnh, lớp thực bì của khu rừng bị cháy và lan nhanh. Cảnh sát cùng nhiều xe chữa cháy đến hiện trường dập tắt đám cháy. Theo thống kê, từ ngày 26 đến 30-6, tại huyện Quảng Nam đã xảy ra ba vụ cháy rừng keo của người dân.
Một vạt rừng ở Nghệ An bị cháy rụi sau khi lửa đi qua. Ảnh: Đ.LAM
Năm người chia nhau một hộp sữa
Ở Nghệ An, chiều 1-7, chính quyền địa phương và người thân đã tổ chức lễ an táng bà Nguyễn Thị Hoa (55 tuổi, trú xã Nam Kim, huyện Nam Đàn, Nghệ An). Rất đông người dân đến tiễn đưa bà Hoa ra nghĩa trang.
Năm trước, khu rừng trên núi ở xã Nam Kim cũng bị cháy, bà Hoa đã đi dập lửa và cứu rừng thành công. Còn năm nay, trời nắng nóng, oi bức đại hạn và lửa cháy quá nhanh đã khiến rừng thông hàng chục năm tuổi của bà chết đứng, bà cũng không qua khỏi.
Ông Trần Đình Hoàn (trú xã Nam Kim) nói trong nước mắt: “Sáng 30-6, lửa từ vụ cháy rừng ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) lan sang rừng xã Nam Kim của Nghệ An. Mọi người cùng nhau chạy đi dập lửa, trong đó có bà Hoa và gia đình. Bà Hoa còn mang theo nước để tiếp tế cho lực lượng chữa cháy.
Khi đi cứu rừng, bà đi giày bata, khẩu trang, vác cả can nước 10 lít leo lên rừng.
Khi dập lửa, bà gặp thảm lá thông khô nên bị trượt chân ngã. Lúc đó người dân phát hiện, chạy lại cứu nhưng lửa đã bủa vây bà Hoa”. “Chúng tôi tuyệt vọng, không thể dập được lửa đang bùng để cứu sống bà Hoa. Có người lao vào nhưng mọi người phải ngăn lại, bởi nếu vào sẽ chết cả hai” - ông Hoàn kể.
Một nhóm người trèo qua đỉnh núi để tìm cách chữa cháy. Gần 5 tiếng đồng hồ trong biển lửa, nước uống hết. “Chỉ còn một hộp sữa tươi, năm người chia nhau để lấy sức” - ông Hoàn nói.
Cho đến khi lửa tắt dần, thảm thực bì đã cháy hết, lực lượng chức năng vào hiện trường phát hiện bà Hoa đã chết cháy trong tư thế ôm cây thông đã cháy đen.
Ông Phạm Văn Đức (xóm trưởng xóm Thung Huyện, xã Nam Kim) nói trong nước mắt: “Bà Hoa là người tốt bụng, hiền lành, thương yêu con cái vô cùng, đối với hàng xóm ai nhờ gì cũng sẵn sàng giúp đỡ. Khi nghe tin bà bị chết cháy khi hỗ trợ dập cháy rừng, chúng tôi vô cùng đau xót trước mất mát quá lớn này...”.
Hàng chục hecta rừng ở Hà Tĩnh bị cháy
Vụ cháy rừng khiến bà Hoa thiệt mạng, lửa chưa dừng ở đó mà tiếp tục cháy lan sang khu rừng ở xã Trường Sơn (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) từ chiều tối 30-6 đến trưa 1-7.
Trong đêm 30-6, lửa lan đến gần sau nhà dân và gần cổng làng ở xã Trường Sơn. Tại huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh), lửa cháy âm ỉ trên một số cánh rừng.
Ông Nguyễn Văn Tuyến, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn, cho biết: Cháy rừng từ xã Nam Kim lan sang cháy cả khu rừng ở xã Trường Sơn. Do trời nóng kèm với gió Lào thổi mạnh nên công tác dập lửa gặp khó khăn. Lãnh đạo huyện Đức Thọ đã điều động công an, kiểm lâm, quân sự và các xã lân cận xã Trường Sơn đến hiện trường dập lửa.
Trong đêm 30-6 và rạng sáng 1-7, huyện Đức Thọ đã huy động 300 người dân các xã cùng lực lượng công an, kiểm lâm, dân quân… nỗ lực dập lửa thâu đêm để cứu rừng. Đến chiều tối 1-7, tất cả gần 10 vụ cháy rừng ở Nghệ An, Hà Tĩnh đã được dập tắt hoàn toàn. Tuy nhiên, khu rừng ở núi Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) có 50 ha thông hàng chục năm tuổi đã bị chết đứng.
Chiều và đêm 1-7, tại một số huyện ở Nghệ An, Hà Tĩnh trời có mưa đã dập tắt các vụ cháy và giải nhiệt sau nhiều ngày đại hạn.
Vừa xong cháy rừng lại lo lũ lớn Đến tối 1-7, nhiều khu vực có rừng bị cháy ở Nghệ An, Hà Tĩnh có mưa nhỏ. Những ngày qua, tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có nắng nóng gay gắt kéo dài trong nhiều ngày, gió Lào thổi mạnh, nhiều vùng hạn hán nghiêm trọng. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong đêm và hôm nay (2-7), ở Bắc bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và dông. Riêng khu vực đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to (lượng mưa phổ biến 30-70 mm/24 giờ, có nơi trên 100 mm/24 giờ). Mưa to trên diện rộng từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế, các sông suối khu vực bắc Thanh Hóa đến Hà Tĩnh sẽ xuất hiện một đợt lũ lớn. • Ngoài biển Đông, chiều 1-7, tâm áp thấp nhiệt đới đang cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 280 km về phía đông bắc và sẽ mạnh lên thành bão. Đến 15 giờ ngày 3-7, vị trí tâm bão ở trên khu vực phía bắc vịnh Bắc bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 11. Đây là cơn bão phức tạp, có khả năng di chuyển về phía đất liền nước ta, ảnh hưởng trực tiếp đến Bắc bộ, Bắc Trung bộ từ ngày 3-7. |
Chưa thể dùng trực thăng chữa cháy rừng Trưa 1-7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đi thị sát, kiểm tra tình hình chữa cháy rừng ở xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Tại đây, Phó Thủ tướng chỉ đạo các lực lượng chữa cháy tiếp tục dập lửa dứt điểm các điểm còn âm ỉ, không để lửa bùng lại và lan sang khu vực rừng có đường dây 500 kV gần đó. Trên đường đi thị sát vào xã Trường Sơn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vẫn thấy người dân đốt rạ trên đồng ruộng, Phó Thủ tướng nói cần tăng cường tuyên truyền, quán triệt với nhân dân việc không được đốt rơm, rạ trong nắng nóng.
Về việc sử dụng trực thăng chữa cháy rừng, Phó Thủ tướng cho biết: Chính phủ đã nhận được ý kiến này nhưng thấy rằng chưa thể điều động trực thăng của Binh đoàn 18, Tổng Công ty Bay Bộ Quốc phòng chữa cháy rừng vì gió phơn thổi mạnh. “Với tình hình cháy ở các điểm diện rộng như vậy thì huy động các lực lượng tại chỗ và dập lửa bằng các thiết bị máy thổi, cưa xăng là hiệu quả hơn cả. Trong tháng 7 này, thời tiết tiếp tục nắng nóng gay gắt, các tỉnh không chủ quan, tính toán nhu cầu sử dụng thiết bị chữa cháy này để báo cáo Chính phủ duyệt chi đột xuất”. Phó Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh rà soát, xác định và phân loại các loại rừng đã bị cháy để tính toán phương án hỗ trợ cho bà con trồng rừng. Bên cạnh đó, các lực lượng cứu hộ cứu nạn giữ vững tinh thần sẵn sàng để ứng phó với mưa lũ trong những ngày tới. Tại hiện trường, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cũng cho rằng khi trời mưa to thì tình trạng cháy rừng ở các tỉnh Bắc Trung bộ sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, chính quyền địa phương phải tính toán ngay việc phục hồi rừng bị cháy và coi đây cũng là một nhiệm vụ cấp bách và có biện pháp hỗ trợ cho bà con… |