Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết tối 1-12, Nhà máy thủy điện Sông Hinh (đóng trên địa bàn huyện Sông Hinh, Phú Yên) đã xả lũ với lưu lượng 2.000 m3/giây.
Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ với lưu lượng hơn 10.000 m3/giây hồi đầu tháng 11-2016 khiến hạ lưu Phú Yên bị ngập sâu. Ảnh: TẤN LỘC
Cùng thời điểm, Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ (đóng trên địa bàn huyện Sơn Hòa, Phú Yên) xả nước vận hành với lưu lượng 400 m3/giây, dự kiến bắt đầu xả lũ từ sáng 2-12.
Từ chiều 1-12, lưu lượng nước từ thượng nguồn Tây Nguyên đổ xuống hạ lưu sông Ba tăng nhanh khiến hồ thủy điện Sông Ba Hạ đạt gần đến mực nước thiết kế.
Trong khi đó, Nhà máy thủy điện Krông H’năng (đóng ở vùng giáp ranh hai tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên) xả lũ với lưu lượng 100 m3/giây khiến lượng nước đổ xuống hồ thủy điện Sông Ba Hạ ngày càng lớn.
Cũng theo ông Thế, nhiều vùng ở hạ lưu sông Ba như các huyện Đông Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa, TP Tuy Hòa (Phú Yên) sẽ bị ngập khi các nhà máy thủy điện trên xả lũ cùng lúc.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, nhiều xã thuộc các huyện phía bắc như Đồng Xuân, Tuy An đã bị chia cắt do mưa lớn liên tục trong hai ngày qua gây ngập.
Tại thị xã Sông Cầu, nước trên các suối đổ xuống đầm Cù Mông, vùng nuôi tôm hùm lớn nhất Phú Yên, khiến thủy sản có nguy cơ lại bị sốc nước ngọt, chết hàng loạt như đợt lũ đầu tháng 11.