Buổi họp báo diễn ra tại trụ sở Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Bình Thuận, do bà Phùng Thị Thọ, Chủ tịch UBND thị xã La Gi, chủ trì. Bà Thọ nhấn mạnh: “Vụ việc này không rõ ràng. Thuyền trưởng không đưa ra cơ sở chứng minh được đâu là số gạo giảm tải, đâu là số bị lấy. Do đó, chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng làm rõ vụ việc vì thông tin việc “hôi của” đã ảnh hưởng rất lớn đến ngư dân địa phương. Nếu không sau này có tàu đắm thì ngư dân không dám đến gần” - bà Thọ nhấn mạnh.
Theo thuyền trưởng Phong, khoảng 2 giờ 30 ngày 5-7, chiếc tàu bị mắc cạn sau khi va chạm đá ngầm. Sự việc được ông Phong thông tin cho cơ quan chức năng và giật pháo sáng, pháo dù ra tín hiệu nguy cấp cần giúp đỡ.
BĐBP xem hình ảnh người dân khiêng gạo do thuyền trưởng tàu Hải Trường 36 (bìa phải) cung cấp. Ảnh: PN
Sau đó, nhiều tàu thuyền của ngư dân đã tiếp cận con tàu. Sợ tàu chìm nên thuyền trưởng mở nắp kho hàng và lệnh cho thủy thủ ném bỏ bớt gạo xuống biển để cứu tàu. Nhiều ngư dân thấy vậy đề nghị được nhận gạo và được thuyền trưởng đồng ý. Việc khiêng gạo giảm tải cho tàu Hải Trường 36 kéo dài khoảng bốn giờ. Đến 7 giờ cùng ngày, khi thủy triều rút, tàu đã an toàn nên thuyền trưởng yêu cầu đóng nắp khoang hàng. “Nhưng đến sáng 6-7 có nhiều tàu thuyền tiếp cận mạn tàu chúng tôi. Nhiều người dân ném dây đu lên tàu rồi tự mở nắp kho hàng lấy gạo dù thủy thủ cố can ngăn” - ông Phong nói.
Khi được hỏi cơ sở thì ông Phong chỉ đưa ra được một số hình ảnh chụp bằng điện thoại cảnh người dân đang khiêng gạo. Trong khi đó, nhiều người dân khẳng định họ lấy gạo là được phép, để giảm tải cho con tàu.
Thượng tá Phạm Phương Nguyên, Tham mưu phó Ban Chấp hành BĐBP tỉnh Bình Thuận, băn khoăn việc hầm hàng trên tàu chia làm nhiều khoang, có nhiều nắp. Chúng đều được mở đóng bằng tời điện nên việc tự cạy mở nắp là rất khó khăn. Ông Phong cho biết vẫn có thể mở thủ công được và thừa nhận có một nắp hàng bị người dân mở lấy gạo.
Theo bà Phùng Thị Thọ, trong ngày 7-7, khi nhận được văn bản “kêu cứu” của chủ tàu (Công ty Hải Trường), UBND thị xã La Gi đã thu giữ 147 bao gạo (loại 50 kg) mà ngư dân chở vào đất liền. Nếu Công ty Hải Trường không thu hồi số gạo này thì chính quyền sẽ trả lại cho dân. Ngược lại, chủ tàu muốn thu hồi thì chính quyền sẽ bàn giao. “Tuy nhiên, việc Công ty Hải Trường phát văn bản kêu cứu kiểu “đao to búa lớn” thì phải chịu trách nhiệm” - bà Thọ nói.
Được biết tàu Hải Trường chở khoảng 60.000 bao gạo. Số gạo được đưa vào đất liền có khoảng năm loại, trong đó hai loại có bao bì ghi chữ Trung Quốc. Nhiều người được cho gạo không dám nấu ăn và bán cho các điểm chế biến thức ăn gia súc. Hiện con tàu đã bị nước ngập gần hết và được BĐBP phong tỏa không cho ngư dân đến gần.
Tàu Hải Trường 36 trước đây có tên Phú Đạt 28, là tàu chở hàng tổng hợp. Tàu này được hạ thủy vào tháng 12-2008, máy do Trung Quốc sản xuất. Tàu dài gần 80 m, rộng gần 13 m. Ngày 18-7 sắp tới sẽ đến hạn kiểm tra định kỳ. Tàu do Công ty Cho thuê tài chính I Ngân hàng NN&PTNT làm chủ còn Công ty Vận tải biển Hải Trường là đơn vị quản lý. Trả lời Pháp Luật TP.HCM,ông Phong nói vẫn chưa có phương án cụ thể nhưng sẽ trục vớt tàu bằng mọi giá. |