Chiều ngày 24-9, Ngân hàng UOB công bố báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế quý 3-2024 trong đó tổ chức này dự báo VND sẽ tăng dần lên mức 24.300 VND/USD vào quý I năm sau.
Áp lực tỉ giá USD/VND hạ nhiệt
Áp lực lên tỉ giá USD/VND đang bắt đầu giảm dần khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chính thức bước vào chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ.
Hiện chỉ số DXY tiếp tục suy yếu, xuống còn 100,8 điểm và giảm hơn 1% giá trị so với đầu tháng 9, kéo theo xu hướng tăng giá của tiền VND tiếp tục được duy trì. Tỉ giá USD/VND bình quân trên thị trường chính thức giảm hơn 1% so với cuối tháng trước.
Hiện, giá bán đôla Mỹ tại VCB cũng đã giảm về mức 24.770 VND/USD, thấp hơn 650 đồng mỗi USD so với cuối tháng 7. Trong khi đó, trên thị trường tự do, tỉ giá đã giảm về mức 25.050 VND/USD, giảm khoảng 2% so với 2 tháng trước.
Động thái cắt giảm lãi suất của Fed đã khiến USD suy yếu, kéo theo áp lực lên tỉ giá USD/VND cũng sẽ giảm đi.
UOB ghi nhận, tiền VND đạt mức tăng theo quý lớn nhất kể từ năm 1993, tương ứng tăng 3,2%, đạt mức 24.630 VND/USD. Tuy nhiên, đà tăng thêm của tiền đồng trong thời gian tới sẽ khó có thể diễn ra với tốc độ tương tự như quý 3-2024.
“Dự báo USD/VND cập nhật của UOB là tỉ giá sẽ đạt mức 24.500 VND/USD trong quý 4-2024, 24.300 VND/USD trong quý 1-2025…”, UOB nói.
Bên cạnh đó, đơn vị này cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ không thay đổi lãi suất điều hành trong thời gian còn lại của năm 2024, tức là sẽ vẫn duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,50%/năm.
Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cho rằng nếu Fed mạnh tay cắt giảm lãi suất thêm 0,5% trong tháng 11 tới đây, khiến đồng USD tiếp tục giảm giá, thì có thể NHNN cũng sẽ phải giảm lãi suất điều hành.
Bên cạnh đó, do thiệt hại bởi cơn bão số 3, UOB báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý 3 sẽ chậm lại ở mức 5,7% (giảm nhẹ so với mức 6,0% được dự báo trước đó). Đối với quý 4-2024, UOB dự báo tăng trưởng kinh tế cả nước sẽ đạt 5,2% (cũng giảm so với mức 5,4%).
Từ đó, tổ chức này cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm của Việt Nam xuống còn 5,9% (giảm khoảng 0,1% điểm phần trăm so với dự báo trước đó là 6%). Dù vậy, đây vẫn là sự phục hồi tích cực so với mức tăng trưởng 5% vào năm 2023.
Ngành ngân hàng đối mặt với nợ xấu gia tăng
Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng cho biết: Tính đến ngày 17-9, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 7,38% so với cuối năm 2023 (cùng kỳ năm ngoái đạt 5,73%). Trong đó, khối ngân hàng thương mại tư nhân tăng 8,6%, chiếm 45% thị phần, tăng cao nhất toàn hệ thống.
Theo lãnh đạo NHNN, tăng trưởng tín dụng đối với các ngành đều cải thiện so với cùng kỳ năm 2023, cơ cấu tín dụng phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tín dụng tiếp tục hướng vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tín dụng tiêu dùng phục hồi. Dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống và dư nợ tín dụng qua thẻ tín dụng tăng 4,93% (cùng kỳ giảm 0,2%).
Dù tốc độ tăng trưởng tín dụng đã tăng trở lại, song ông Phạm Quang Dũng cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc mà ngành ngân hàng đang đối mặt.
"Đó là những khoản nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu có xu hướng tăng, nguy cơ tăng sau khi tiếp tục chính sách cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Sức hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân thấp. Nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng sản xuất do thiếu đơn hàng, giải thể, đóng cửa, sức khỏe tài chính bị giảm sút. Đồng thời xu hướng thắt chặt, cắt giảm chi tiêu của người dân dẫn đến cầu tín dụng thấp", Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng nhấn mạnh.
Ông Dũng cho biết thêm, áp lực đối với tín dụng ngân hàng tiếp tục tăng cao trong bối cảnh các kênh huy động vốn khác của nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, chưa phát huy hiệu quả. Thị trường bất động sản chưa hồi phục và ổn định, sự khó khăn của thị trường địa ốc còn ảnh hưởng tới nhiều ngành vệ tinh cũng như cầu tiêu dùng về nhà ở. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, diễn biến phức tạp trên thị trường quốc tế, lãi suất còn ở mức cao tác động đến mặt bằng lãi suất, tỉ giá USD/VND trong nước.
Phó Thống đốc cũng nhấn mạnh, tình hình thiên tai, bão lũ gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng, dẫn đến hoạt động của các ngân hàng thương mại cũng khó khăn.