Ngày 16-1, tỉ giá trung tâm của VND so với USD được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.987 VND/USD, giảm 5 đồng so với trước đó. Giá USD tại các ngân hàng thương mại lẫn thị trường tự do đều đồng loạt bật tăng.
Cụ thể, giá USD tại Vietcombank vào đầu giờ chiều nay niêm yết ở mức 24.310 VND/USD mua vào và 24.680 VND/USD bán ra, tăng 45 đồng ở cả hai chiều so với chốt phiên hôm qua.
Tương tự, Eximbank niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 24.290 – 24.670 VND/USD, tăng 50 đồng mỗi USD ở chiều mua vào và cộng thêm 40 đồng ở chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua.
Trên thị trường tự do, giá đồng bạc xanh lúc 15 giờ giao dịch phổ biến quanh mức 24.950 – 25.000 VND/USD, trước đó có thời điểm giá mua bán được đẩy lên 24.970 – 25.020 VND/USD.
Như vậy, so với mức giá cao nhất trong phiên sáng nay, hiện giá đồng bạc xanh trên thị trường chợ đen đã giảm nhẹ khoảng 20 đồng mỗi đôla. Tuy nhiên, chỉ trong một tuần trở lại đây, giá USD chợ đen đã tăng thêm từ 150 - 170 đồng.
Trong tuần trước, tâm điểm của thị trường tập trung vào số liệu CPI tháng 12 của Mỹ và các diễn biến xoay quanh xung đột ở Biển Đỏ. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần và CPI cơ bản tại Mỹ lần lượt tăng 3,4% và 3,9% so với cùng kỳ, cao hơn mức dự đoán.
Trong khi đó, xung đột kéo dài ở Biển Đỏ và căng thẳng leo thang trên khắp Trung Đông có nguy cơ gây gián đoạn chuỗi cung ứng và tạo áp lực lên lạm phát. Ngược lại, phát biểu từ quan chức của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giúp thị trường có cái nhìn tích cực hơn đối với khả năng giảm lãi suất của Fed trong năm nay.
Sức mạnh của đồng USD được đo lường thông qua chỉ số USD-Index chốt tuần vừa qua gần như đi ngang mặc dù có những thời điểm bật tăng nhẹ trong tuần.
Tại thị trường trong nước, tương đồng với xu hướng trong khu vực, tỉ giá USD/VND tăng. Tỉ giá liên ngân hàng kết tuần ở vùng 24.505 VND/USD, tăng 0,5% so với cuối tuần trước. Tương tự, tỉ giá niêm yết của các ngân hàng thương mại tăng khoảng 130 đồng so với tuần trước đó.
Theo Công ty chứng khoán SSI, áp lực từ tỉ giá niêm yết có thể đến từ nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh giai đoạn trước Tết Nguyên đán và cần phải theo dõi thêm trong thời gian tới. Thông thường, nguồn cung ngoại tệ (như kiều hối và giải ngân FDI) vẫn có thể bù đắp được nhu cầu nhập khẩu trên.