Tích cực hỗ trợ bảo tồn di tích lịch sử tại TP.HCM

(PLO)- Hai di tích lịch sử cấp quốc gia cần được hỗ trợ để bảo tồn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở VH&TT TP.HCM, cùng đoàn công tác của sở đã có cuộc khảo sát thực tế trong ngày 21-10 tại hai di tích lịch sử cấp quốc gia. Đó là Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam bộ (số 51/10/14 Cao Thắng, phường 3, quận 3) và Sở chỉ huy tiền phương phân khu 6 trong chiến dịch Mậu Thân 1968 (số 7 Lý Chính Thắng, phường 7, quận 3).

Đoàn khảo sát tại Sở chỉ huy tiền phương phân khu 6 trong chiến dịch Mậu Thân 1968, hiện là quán phở Bình. Ảnh: VĂN HÀ

Di tích cấp quốc gia nhưng còn nhiều bất cập

Đối với cơ sở Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam bộ, đây là căn nhà của vợ chồng chiến sĩ Trần Thị Ngọc Sương và Nguyễn Trọng Xuất.

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968, lực lượng vũ trang Ban phụ vận đã dùng nơi đây cất giấu vũ khí, chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy.

Đồng thời đây cũng là điểm tập kết lực lượng đi phá kềm ở chợ Bàn Cờ, tổ chức may băng cờ, viết truyền đơn rải ở chợ kêu gọi đồng bào đấu tranh chống địch.

Tại buổi khảo sát, ông Trần Thế Thuận cùng đoàn đã ghi nhận thực tế di tích vẫn giữ nguyên vẹn những giá trị về lịch sử cũng như các hiện vật trưng bày.

Tuy nhiên, các hạng mục công trình như nhà vệ sinh, cầu thang, ốp trần nhà… phần nhiều đều đã bị xuống cấp. Di tích cũng chịu nhiều ảnh hưởng bởi tình trạng mối mọt.

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Hồng Diễm Phúc, Phó Chủ tịch phường 3, cho biết: “Trước đó, phường cũng đã có công văn đề xuất chống thấm, mối mọt cũng như sửa chữa công trình vệ sinh cho di tích, Sở VH&TT có xuống khảo sát và cho chúng tôi sửa chữa đơn giản chứ chưa thực sự tôn tạo được hết.

Vì vậy, khách chủ yếu chỉ tham quan tại khu trưng bày hiện vật chứ không dám để khách lên lầu vì chưa yên tâm về cầu thang, sàn gỗ…”.

Về vấn đề chuyên môn như tư liệu hình ảnh, thuyết minh thì theo bà Diễm Phúc, mặc dù có nhiều tư liệu, hình ảnh, hiện vật về di tích nhưng thực sự vẫn chưa đi sâu.

“Tất cả tư liệu để thuyết trình chúng tôi cũng chỉ dựa trên những câu chuyện kể của chủ nhân ngôi nhà là chú Xuất và cô Sương, còn những tư liệu như các đoạn phim để mang tính sinh động cho di tích thì vẫn chưa có được” - bà Phúc cho hay.

Đối với Sở chỉ huy tiền phương phân khu 6 trong chiến dịch Mậu Thân 1968 (quán phở Bình) đến năm 2020, ông Ngô Văn Lập (chủ cơ sở) đã làm đơn xin trả lại bằng xếp hạng di tích vì nhiều khó khăn kinh tế cũng như vướng mắc liên quan đến căn nhà.

Trước tình hình đó, TP.HCM đã quyết định hoán đổi căn nhà số 9 cho gia đình ông Lập. Ônh Lập sẽ trả lại di tích cho TP. Hiện tại căn nhà số 9 đang được Bộ Tư lệnh TP.HCM xin kinh phí và đang sửa chữa.

Khách chủ yếu chỉ tham quan tại khu trưng bày hiện vật chứ không dám đưa lên lầu vì chưa yên tâm về cầu thang, sàn gỗ…

Tạo điều kiện và hỗ trợ di tích

Trước những vấn đề của cơ sở Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam bộ, ông Trần Thế Thuận bày tỏ: “Phía phường cần khẩn trương có báo cáo tham mưu cho UBND quận. Bên cạnh đó, phòng văn hóa cũng phải góp phần giải quyết với phường. Sau đợt khảo sát, sở cũng sẽ ra văn bản đề nghị các bên liên quan hỗ trợ”.

Đối với Sở chỉ huy tiền phương phân khu 6 trong chiến dịch Mậu Thân 1968, theo ông Ngô Văn Lập, sau khi căn nhà số 9 được hoàn thiện thì những vật dụng như cửa sổ, lan can… sẽ được trưng dụng trở lại cho căn nhà số 7 bởi hai căn nhà được xây dựng giống nhau.

“Tất cả được trưng dụng vì sau này nếu muốn phục dựng sẽ không tìm được những vật dụng như xưa” - ông Lập nói.

Trước những vấn đề này, Giám đốc Sở VH&TT mong mỏi sự góp ý chỉ dẫn của ông Lập và sẽ liên hệ với Cục Di sản của Bộ Văn hóa đề nghị phối hợp để di tích giữ được nét trung thực vốn có từ xưa. •

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm