Đầu giờ chiều 13-6, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tiếp tục phần trả lời chất vấn của các đại biểu đã đặt câu hỏi trước đó.
Bộ trưởng Cường trả lời câu hỏi về điều kiện để doanh nghiệp tham gia vào nông nghiệp công nghệ cao. Theo Bộ trưởng, căn cứ vào Luật Công nghệ cao, Thủ tướng đã có văn bản quyết định những tiêu chí để doanh nghiệp tham gia vào định hướng này.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: "Thủ tướng đã nói ai cũng được làm nông nghiệp công nghệ cao". Ảnh: CHÂN LUẬN
Đối với vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thì năm 2016, Thủ tướng cũng ban hành quyết định để làm rõ những tiêu chí để doanh nghiệp tham gia vào. Một nhóm khác là các doanh nghiệp công nghệ cao được khuyến khích tham gia vào nông nghiệp theo điều 18, 19 của Luật Công nghệ cao.
“Thủ tướng nói ai cũng được làm nông nghiệp công nghệ cao và có các văn bản hướng dẫn tiêu chí. Điều này là để khớp với tiêu chí của các ngân hàng thương mại, nhu cầu của doanh nghiệp, đồng thời để các địa phương có thể đón nhận các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao theo các tiêu chí minh bạch với các mục tiêu định hướng cụ thể”, Bộ trưởng Cường giải thích.
Giải thích về cách xử lý vấn đề gạo Việt Nam xuất khẩu bị các nước trả về của đại biểu Tô Thị Bích Châu, Bộ trưởng Cường nói: “Riêng năm 2016 Việt Nam xuất 5 triệu tấn gạo vào thị trường cao cấp và thị trường phổ thông, trong đó có 26 lô gạo xuất khẩu bị trả về”.
Theo Bộ trưởng Cường, những lỗi khiến gạo Việt Nam bị trả về là bao bì hỏng rách, lẫn tạp, có một số lô lẫn 8 hóa chất. Bộ trưởng Cường giải thích do mỗi khu vực thị trường có tiêu chuẩn khác nhau, nhưng gạo Việt Nam không áp dụng thống nhất nên có những lô hàng bị trả về.
“Theo tiêu chuẩn Châu Âu thì phù hợp, nhưng riêng thị trường Mỹ thì yêu cầu dư lượng hóa chất phải bằng 0%. Giờ phải chỉnh lại các tiêu chuẩn, định hướng cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo về yêu cầu của các thị trường”, Bộ trưởng Cường nói.
Hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV sẽ kéo dài 3 ngày thay vì 2,5 ngày như trước đây. Ảnh: CHÂN LUẬN
Trả lời câu hỏi của đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) về câu hỏi liệu tích tụ ruộng đất có bần cùng hóa nông dân hay không, Bộ trưởng Cường nói tích tụ đất đai là một chủ trương khuyến khích làm nông nghiệp tập trung.
Bộ trưởng Cường thông tin: trước đây lao động nông nghiệp chiếm 70% dân số, nhưng hiện nay chỉ còn 43%.
Khẳng định việc tích tụ đất đai không để nông dân mất việc, Bộ trưởng Cường cho hay: nông dân đã được giao đất nông nghiệp, sản xuất ổn định lâu dài và có quyền chuyển nhượng.
“Thực tiễn tích tụ ruộng đất đã diễn ra ở nhiều địa phương và đối tượng chủ yếu là người dân với người dân. Hiệu quả rất tốt. Anh Thành (Nguyễn Năng Thành-PV) ở Hưng Yên ban đầu có 3 sào chuối, giờ tích tụ đất đai lên tới hàng chục héc ta. Chuối người khác bán 2000-3000 đồng/kg, chuối anh Thành bán 10.000 đồng/kg”.
Bộ trưởng Cường cũng khẳng định doanh nghiệp cũng là đối tượng tiến hành và nhận tích tụ đất đai. Tuy vậy, với công nghệ cao thì doanh nghiệp cũng không cần nhiều đất mà tập trung vào chế biến, phân phối, lưu thông nông sản.
“Trong luật đã quy định về những vấn đề này rồi nhưng chế tài không có. Nhiều tỉnh loay hoay vì không biết tích tụ đất đai như thế có làm sao không”, Bộ trưởng Cường nói.