Mở đầu phiên chất vấn, ĐB Tôn Ngọc Hạnh, Bình Phước quan tâm đến gói tín dụng 100.000 tỉ cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao – một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng để cơ cấu lại nền nông nghiệp.
Tuy nhiên ĐB nêu thực tế việc triển khai gặp nhiều khó khăn, các DN, HTX khó tiếp cận vốn...
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường. Ảnh Đ.Minh
“Bộ trưởng sẽ tham mưu giải quyết những bất cập này như thế nào để DN, người dân sớm tiếp cận được nguồn vốn?”- ĐB hỏi.
ĐB Nguyễn Sơn (Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh) cho biết đã gửi hai câu hỏi đến Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đã được trả lời nhưng câu thứ nhất chưa thoả mãn nên được hỏi thêm.
ĐB hỏi Bộ trưởng căn cứ vào đâu để Bộ quy hoạch dự báo phát triển sản phẩm ngành chăn nuôi? Theo Quyết định 124 của Thủ tướng phê duyệt tổng đàn lợn đến 2015 là trên 32,2 triệu con, 2020 là 34,4 triệu con nhưng theo số liệu thống kê thì tháng 10-2015 mới đạt hơn 27,7 triệu con, tháng 10-2016 mới đạt 29 triệu con, thấp hơn nhiều so với quy hoạch. Tuy nhiên, thị trường đã dư thừa đến hàng chục triệu con, giá cả giảm sút thảm hại người chăn nuôi thua lỗ nặng, lúng túng trong giải pháp giải cứu.
"Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, giải pháp và trách nhiệm của bộ trong vấn đề này?", Đại biểu Sơn hỏi.
ĐB Nguyễn Thị Ngọc Lan (Bắc Ninh) nêu: “Đến thời điểm này, ngành chăn nuôi đã lỗ đến 50% giá thành, gây thiệt hại quá lớn về kinh tế và ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Xin Bộ trưởng cho biết những giải pháp căn cơ, lâu dài giải quyết”.
“Trước hết là tôi chia sẻ với bà con nông dân chăn nuôi lợn của chúng ta. Cơ sở nào để ngành Nông nghiệp đưa ra chỉ tiêu về đàn lợn, để đến nay có câu chuyện thừa thit lợn?”- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường mở đầu.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường. Ảnh. Đ.Minh
Theo Bộ trưởng, đến giờ phút này có hai nguyên nhân chính.
Thứ nhất là do sức sản xuất tăng trưởng quá nhanh. Trong hơn 10 năm qua thịt lợn tăng trên 3,6 lần, từ 3,4 triệu tấn lên 5,6 triệu tấn... Cách đây 10 năm, VN thấp nhất trong ASEAN thì sau 10 năm, lợn nái từ 2 triệu con lên 4,2 triệu con. Chúng ta có một bước cải tiến về quy mô nông hộ từ 7 triệu hộ đến nay gom lại vẫn còn hơn 3 triệu hộ. ba năm gần đây sức tăng trưởng thực phẩm tăng quá nhu cầu tại một thời điểm.
Bên cạnh đó, rổ thực phẩm cơ cấu lại, trước bữa cơm có 75% là thịt lợn thì bây giờ có nhiều thực phẩm khác để người dân lựa chọn như sữa, trứng, thịt gà, thịt bò… làm cho dư thừa tạm thời, gây mất cân đối, sức cung lớn hơn sức cầu rất nhiều.
Thứ 2 tổ chức ngành hàng chưa tốt thể hiện ở 3 điểm. Cho đến nay, chúng ta có 3 triệu hộ chăn nuôi, 446 trang trại, chúng ta vẫn cứ duy trì vì không chăn nuôi không biết làm gì nhưng tồn tại như thế sản xuất khó kiểm soát.
Cạnh đó, tổ chức cơ cấu tại chỗ, chế biến tách lìa với thành phẩm. Cho đến nay khâu liên kết trong sản xuất thịt lợn chỉ 20% ở khâu nuôi, còn khâu chế biến kém, kém nhất trong các ngành hàng. Hiện có vài DN chế biền, kiểu khép kín chỉ đếm vài ngón tay. Trên 90% theo kiểu truyền thống, chủ yếu sản xuất thịt lợn tươi bán hàng, không phụ hợp chuyển đổi cơ cấu tiêu dùng.
Tổ chức thị trường cũng được đánh giá là khâu yếu nhất, đặc biệt là thịt lợn.
Tóm lại 3 khâu: sản xuất, chế biến, mở cửa thị trường, chúng ta mới làm tốt khâu đầu, còn 2 khâu sau yếu dẫn đến tình trạng dư thừa như vừa qua.
Sau phần trả lời của Bộ trưởng Cường, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) giơ biển tranh luận lại.
“Xuyên suốt các câu trả lời về quy hoạch, giải cứu lợn, tôi thấy vắng bóng vai trò quản lý NN. Cách trả lời thế này tôi chưa thấy được vai trò của NN trong lĩnh vực này. Nếu quy hoạch thời điểm đó có căn cứ, có tiêu chí phù hợp với giai đoạn đấy, nhưng trong cơ chế thị trường có thay đổi thì vai trò của của nhà nước dự báo, định hướng, điều chỉnh quy hoạch đó như thế nào? Việc cảnh báo cho nhà sản xuất, có chính sách phù hợp để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm này thấy vắng bóng.
Cử tri nói chúng ta có khẩu hiệu “người tiêu dùng thông minh”, Bộ trưởng nói nhà sản xuất phải thông minh, để không tự phát thì cử tri nói “nhà quản lý thông minh”. Trả lời như thế này thì cử trí thấy không hài lòng với cách xử lý như thế này", đại biểu nêu.
ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) tranh luận: “Ở đây không chỉ nông nghiệp mà còn là thị trường, giá cả thịt lợn hơi bán 50, thị trường bán 80, lúc thịt lợn bán 20 thị trường vẫn bán 80 thì vai trò của Bộ Công thương thế nào, vai trò của Bộ NN phối hợp với Bộ công thương thế nào?”
Trần Dương Tuấn (Bến Tre) thì hỏi: Trong tầm nhìn của Bộ trưởng, dự báo trong thời gian tới, trong lĩnh vực đồng chí làm tư lệnh có thể còn xảy ra trường hợp nào phải kêu gọi cơ quan, tổ chức, người dân phải tham gia giải cứu các sản phẩm nông nghiệp như đã từng làm với dưa hấu, thịt lợn như vừa rồi. Nếu có thì mặt hàng nông sản đó là gì để người dân còn biết, chuẩn bị.