Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn, đại biểu tỉnh Bạc Liêu trong buổi thảo luận tại tổ về báo cáo bổ sung kinh tế - xã hội của Chính phủ chiều 25-5 đã có những phát biểu quan tâm đến lợi ích của nông dân.
“Heo phải giải cứu hàng loạt như thế, thiệt hại như thế mà không ai chịu trách nhiệm cả. Chỉ có dân chịu. Giải cứu các thứ khác như dưa hấu và nhiều nông sản khác xong cũng không ai chịu trách nhiệm”, ông Môn nói.
Ông Lại Xuân Môn đặt câu hỏi về trách nhiệm để xảy ra những vụ giải cứu heo, giải cứu dưa hấu thời gian qua. Ảnh: CHÂN LUẬN
Theo ông Môn, những cuộc giải cứu nông sản đấy có nguyên nhân từ quy hoạch và khoảng cách giữa sản xuất và tiêu dùng vẫn còn quá lớn.
Đại biểu Cao Đình Thường tỉnh Phú Thọ đặt câu hỏi: “Liệu có phải chúng ta cứ đổ cho bà con nông dân hay không? Nhà nước có trách nhiệm gì không? Tôi cho rằng vấn đề chỉ đạo, quy hoạch của Bộ NN&PTNT, ngành nông nghiệp các cấp có một phần trách nhiệm”.
Ông Thường nói mình buồn vì đã đọc một bài báo trong đó kể rằng: khi báo chí hỏi lãnh đạo Cục Chăn nuôi của Bộ NN&PTNT xem hiện nay đàn heo cả nước có bao nhiêu con thì lãnh đạo Cục không trả lời được. Sau đó tìm thông tin khác thì cho biết đàn heo hiện có 30,5 triệu con.
“Tôi cho rằn đó là con số tương đối thôi. Vậy vấn đề trách nhiệm của ngành nông nghiệp tới cấp huyện, cấp xã ra sao?”, ông Thường nói.
Ông Cao Đình Thường nói việc để "vỡ trận heo" có trách nhiệm của Bộ NN&PTNT và ngành nông nghiệp. Ảnh: CHÂN LUẬN
Ông Thường còn cho hay, có người kể cho ông nghe hiện nay đi tìm thợ xây nhà không ra bởi người ta cứ đi xây trang trại heo hết rồi. “Cho nên số lượng người đầu tư vào nuôi heo là rất “kinh khủng khiếp”. Cho nên dẫn đến vỡ trận vừa rồi”, ông Thường nhận định.
Một vấn đề khác là diện tích trồng lúa và xuất khẩu gạo. Ông Môn cũng cho rằng các nước chỉ giữ một diện tích trồng lúa vừa đủ để đảm bảo lương thực cho quốc gia. Còn ở Việt Nam, diện tích trồng lúa vẫn rất lớn, nông dân Việt Nam không chỉ đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia, mà còn một phần cho thế giới.
Tuy vậy, ông Môn nói: “Mỗi năm sản xuất được 5-7 triệu tấn gạo, dư rất nhiều nhưng cũng không xuất khẩu hết. Trong khi đó, lẽ ra nông dân phải làm giàu bằng trồng lúa được thì mới có động lực đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước và thế giới”.
Một lý do khác ông Môn nêu ra là gạo Việt Nam chưa đa dạng hóa sản phẩm và chưa gắn với tiêu thụ. “Tôi sang Hàn Quốc uống rượu gạo. Họ ít gạo mà chế biến gạo thành rượu rất có thương hiệu, giá trị. Các nơi đều có những thương hiệu rượu. Còn về VN thì chả có thương hiệu rượu nào dù gạo nhiều. Thêm nữa, bánh gạo của Hàn Quốc, Nhật Bản cũng rất nhiều, rất ngon còn Việt Nam thì chưa có”, ông Môn nhận xét.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương của tỉnh Quảng Bình thì cho rằng kinh tế hiện rất thụ động, chưa bài bản, đầu ra cho sản phẩm của người dân chưa có.
“Ta hay nói được mùa thì mất giá, nhưng có những sản phẩm không được mùa mà vẫn mất giá. Chăn nuôi theo mùa vụ mà vẫn rớt giá”, ông Phương nói.