Tiêm thẳng vào khớp: đổi đau lấy... tàn phế

Tiêm thẳng vào khớp: đổi đau lấy... tàn phế ảnh 1

Khoa cơ xương khớp, bệnh viện E từng tiếp nhận một bệnh nhân nam 48 tuổi, ngụ tại Hoài Đức (Hà Nội), nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng nặng, khớp sưng to, nóng đỏ, đau nhức... do được một phòng mạch tư tiêm thuốc trực tiếp vào khớp. Dù được phẫu thuật dẫn lưu mủ, mổ nạo vét hoại tử, cắt lọc mô viêm kết hợp dùng kháng sinh nhưng sau một tháng điều trị, bệnh nhân vẫn chưa đi lại được, thậm chí còn có nguy cơ cứng khớp vĩnh viễn. Trước đó, đã có trường hợp phải phẫu thuật cắt bỏ chi vì hoại tử nặng cũng do tiêm khớp không đúng cách.

Tiêm khớp không phải kỹ thuật mới


Năm 1951, xuất hiện nghiên cứu đầu tiên về tác dụng của tiêm thấm corticoid vào khớp, từ đó kỹ thuật tiêm khớp đã được áp dụng 60 năm qua.

Tại Pháp, tình trạng viêm khớp được phát hiện sớm và điều trị cơ bản ngay từ khi mới phát hiện. Trong thực hành hàng ngày, các thầy thuốc chuyên khoa khớp ít phải điều trị tại chỗ như tiêm khớp và cạnh khớp. Có một kỷ niệm khó quên vào năm 1999 khi chúng tôi thực tập ở khoa thấp khớp bệnh viện Conception, Marseille. Ở đây, vấn đề tiêm nội khớp ít được thực hiện bởi các bác sĩ theo đúng nguyên tắc đầu tiên phải điều trị tốt cơ bản các bệnh khớp. Vào một buổi sáng tại phòng khám khớp, với một thanh niên bị viêm lồi củ trước xương chày (bệnh Osgood-Schlatter), tôi mới nói “tiêm thấm (infiltration) corticoid” chưa dứt lời thì GS Hubert Roux đã bảo “Không bao giờ!”

Cần biết trước nguy cơ biến chứng

Việc lạm dụng corticoid kể cả đường uống hay đường tiêm và nhất là tiêm ổ khớp nếu kéo dài sẽ dẫn đến phụ thuộc corticoid, bệnh nhân có thể sẽ bị biến dạng cơ thể (hội chứng giả Cushing), teo cơ, yếu các chi, dính khớp, loãng xương, thậm chí liệt toàn thân...



Các bác sĩ khớp, bác sĩ chấn thương chỉnh hình và phục hồi chức năng đều có thể ứng dụng kỹ thuật tiêm khớp trong điều trị bệnh khớp. Khi thực hiện, cần giải thích cho người bệnh hiểu mục đích tiêm, kết quả đạt được của tiêm khớp và các biến chứng trong và sau khi tiêm, phản ứng đau sau tiêm. Cần để vùng tiêm nghỉ 24 – 48 giờ, lưu băng dính 24 giờ. Đặc biệt trước khi tiêm, thầy thuốc cần lường trước các biến chứng có thể xảy ra như: nhiễm khuẩn; teo da tại chỗ; biến chứng không nhiễm trùng (chảy máu chỗ tiêm, đau chỗ tiêm, tổn thương gân, tổn thương sụn)...

Thầy thuốc cần tuân thủ các chỉ định tiêm khớp, không được tiêm quá 4 lần/năm trên cùng một vị trí. Chỉ nên tiêm khớp cho các trường hợp như: bị bệnh viêm khớp mạn tính (viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp phản ứng, viêm khớp vảy nến), bệnh gout, thoái hoá khớp đợt tiến triển, bệnh viêm quanh khớp vai, viêm điểm bám gân, hội chứng đường hầm cổ tay, cổ chân. Những bệnh nhân không uống được thuốc chống viêm như bị loét dạ dày tiến triển hoặc tăng huyết áp nặng cũng có thể ứng dụng tiêm khớp. Không nên tiêm khớp trong các trường hợp: vùng da tiêm khớp nóng đỏ do mới đắp thuốc, nhiễm khuẩn tại chỗ, viêm các mô, ápxe, nhiễm khuẩn toàn thân, uống thuốc chống đông, prothèse trong khớp, chấn thương khớp, loãng xương tại chỗ, đái đường chưa bình ổn, dị ứng với chất tiêm…

Chỉ điều trị triệu chứng

Kết quả của tiêm đem lại nồng độ thuốc tại chỗ tối đa, mang lại hiệu quả chống viêm tối đa và giảm lượng thuốc chống viêm. Tiêm khớp có hiệu quả trong điều trị các bệnh khớp vì viêm màng hoạt dịch giải phóng ra cytokine và protease, tiêm corticoid ức chế cytokine và protease làm giảm đau nhanh. Điều quan trọng cần nhớ là tiêm corticoid vào khớp chỉ làm giảm phản ứng viêm và giảm đau. Chính vì vậy, điều trị gốc mới là nền tảng. Việc lạm dụng corticoid kể cả đường uống hay đường tiêm và nhất là tiêm ổ khớp nếu kéo dài sẽ dẫn đến phụ thuộc corticoid, bệnh nhân có thể sẽ bị biến dạng cơ thể (hội chứng giả Cushing), teo cơ, yếu các chi, dính khớp, loãng xương, thậm chí liệt toàn thân...

Thực trạng lạm dụng tiêm các thuốc chống viêm corticoid và chỉ định tiêm rộng rãi, kỹ thuật tiêm chưa đúng và không tuân thủ nguyên tắc tiêm khớp, đã gây ra nhiều hậu quả nặng nề như nhiễm khuẩn khớp, ảnh hưởng đến sức khoẻ và chức năng vận động khớp, tới cả kinh tế gia đình và xã hội. Người bệnh và thầy thuốc nên tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định tiêm khớp.

Theo TS.BS Mai Thị Minh Tâm (SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm