Tiêm vaccine ngừa COVID-19 để tránh kịch bản xấu xảy ra

(PLO)- Việc lơ là tiêm chủng và áp dụng 2K (khẩu trang và khử khuẩn) có thể làm gia tăng làn sóng dịch, ảnh hưởng đến cuộc sống, phát triển kinh tế và mở cửa du lịch.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Năm nay con trai tôi vô lớp 1. Hồi sáng đưa con tới trường, tôi thấy học sinh đông quá nên lo ở môi trường đông người, con dễ có nguy cơ nhiễm COVID-19 do chưa tiêm mũi 2” - chị Trần Thị Minh Hương (34 tuổi, huyện Hóc Môn, TP.HCM) bày tỏ.

Tới tận trường và nơi làm việc để tiêm vaccine COVID-19

Con chị Hương tiêm vaccine ngừa COVID- 19 mũi 1 gần một tháng trước, những ngày này chị liên tục nhận được tin nhắn đưa con đi tiêm mũi 2 đúng lịch. “Tiêm mũi 1 về thấy con sốt quá tôi đứng ngồi không yên, lại thêm nghe nói tiêm vaccine COVID-19 nhiều sẽ ảnh hưởng tới trí nhớ nên tôi chần chừ. Sau khi đọc báo thấy biến thể BA.4 và BA.5 rất dễ lây lan, nhất là trẻ em. Sợ con mắc COVID-19 nên đầu giờ chiều tôi đã đưa con đi tiêm mũi 2 để an tâm” - chị Hương chia sẻ.

Cơ quan y tế quận phối hợp với ban ngành, đoàn thể quận 11 tới tận nơi làm việc để tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: TRẦN NGỌC

Cơ quan y tế quận phối hợp với ban ngành, đoàn thể quận 11 tới tận nơi làm việc để tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: TRẦN NGỌC

Ông Võ Thanh Quang (46 tuổi, quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết: “Tôi tiêm mũi 3 vào giữa tháng 5. Đến lịch tiêm mũi 4 tôi định không tiêm do lo sợ tác dụng phụ, giảm trí nhớ nhưng sau khi thấy một đồng nghiệp tái nhiễm COVID-19 khá nặng do chưa tiêm đủ mũi, tôi liền tới trạm y tế phường tiêm mũi 4”.

BS Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Y tế huyện Hóc Môn, TP.HCM, cho biết nhóm tuổi từ năm đến dưới 12 tiêm mũi 2 và nhóm tuổi 12-18 tiêm mũi 3 trên địa bàn huyện khá nhiều. “Đã vào năm học mới nên những em chưa tiêm đủ mũi vaccine ngừa COVID-19 nhà trường sẽ dễ dàng tiếp cận phụ huynh để vận động và giải thích tầm quan trọng của việc tiêm vaccine. Do vậy, số lượng tiêm vaccine trong nhóm tuổi trên thời gian tới chắc chắn tăng” - BS Hải nói.

Về nhóm người từ 18 tuổi trở lên, số lượng tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi 4 còn khiêm tốn. UBND huyện Hóc Môn chỉ đạo UBND xã, thị trấn “đi từng ngõ, gõ từng nhà” rà soát và lập danh sách người chưa tiêm để bố trí lịch tiêm phù hợp.

“Nhóm tuổi từ năm đến dưới 18 trên địa bàn tiêm đủ mũi khá nhiều do cha mẹ sợ con bị lây nhiễm khi tới trường. Với những trẻ chưa tiêm, các trường tiếp tục vận động phụ huynh. Nhóm tuổi từ 18 trở lên tiêm mũi 4 còn hạn chế, UBND các phường đang tiếp tục vận động” - BS Võ Bút Thông, Trưởng phòng Y tế quận 12, TP.HCM, cũng cho biết.

Còn tại quận 11, theo BS Vương Anh Tài, Trưởng phòng Y tế quận 11, trong vòng bảy ngày qua, có thêm khoảng 2.500 em trong nhóm tuổi từ năm tới dưới 18 tuổi tiêm vaccine ngừa COVID-19. Do vậy, số lượng trẻ em trên địa bàn quận 11 tiêm đủ mũi vaccine khá cao. Riêng người từ 18 tuổi trở lên, cơ quan y tế phối hợp ban ngành, đoàn thể của quận tới tận đơn vị, doanh nghiệp để tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi 4. Việc làm này nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía lãnh đạo đơn vị, doanh nghiệp và người lao động do thuận tiện, không tốn thời gian đi lại.

Số ca COVID-19 sẽ tăng trở lại

Phòng Y tế quận 11 đang xin ý kiến UBND quận này cho phép các phòng khám đa khoa trên địa bàn quận (đã được Sở Y tế TP.HCM công bố đủ điều kiện tiêm chủng) thực hiện việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho những người tới khám. Nếu đề xuất này được duyệt, chắc chắn sẽ gia tăng số người từ 18 tuổi trở lên của quận 11 tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19.

BS VƯƠNG ANH TÀI

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho rằng số ca COVID-19 tăng trở lại là điều đã được dự báo trước, người dân không cần quá lo ngại. Ở Việt Nam, người dân đã được thoải mái trong sinh hoạt, lao động, sản xuất và giải trí là do thành quả của công tác tiêm chủng. Việc lơ là tiêm chủng và áp dụng 2K (khẩu trang và khử khuẩn) có thể làm gia tăng làn sóng dịch, ảnh hưởng đến cuộc sống, phát triển kinh tế và mở cửa du lịch (dù nguy cơ tử vong cho người đã tiêm ngừa đầy đủ là rất thấp và hầu như là không có).

Các nước châu Á như Nhật Bản, Indonesia vẫn đang áp dụng các biện pháp ngăn chặn làn sóng dịch COVID-19. Cụ thể ở Indonesia, các tỉnh vẫn thực hiện biện pháp hạn chế xã hội quy mô lớn như đóng cửa các địa điểm công cộng, trường học, hạn chế phương tiện giao thông công cộng và hạn chế việc đi lại từ/đến các khu vực cấm trên tất cả tỉnh (tính đến ngày 4-9).

Còn tại Nhật Bản, ngày 1-9 vừa qua, hãng thông tấn Nhật đưa tin do làn sóng dịch COVID-19 nên Nhật phải giới hạn khách du lịch đến đây. Hầu hết các trường hợp lây lan ở Nhật là những người trẻ tuổi do chủ quan và có tỉ lệ tiêm chủng thấp hơn các nhóm tuổi khác. Thậm chí, Nhật Bản đã phải vật lộn để phân phối đủ thuốc chống virus, như Paxlovid, cho những người dễ bị tổn thương. Do vậy, bài học rút ra ở đây là nhiều quốc gia sẽ bị ảnh hưởng kinh tế, du lịch do COVID-19 dù vấn đề tử vong do bệnh này ít đáng lo ngại hơn trước.

Để tránh kịch bản xấu xảy ra, việc phòng dịch đơn giản nhất vẫn là tiêm chủng, 90% các nghiên cứu vaccine có hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm, đặc biệt trên người cao tuổi. Người dân bình thường nên tiêm đầy đủ ba mũi, người lớn tuổi, có bệnh nền hoặc những đối tượng dưới 50 tuổi có nguy cơ lây nhiễm cao ở môi trường làm việc, tiếp xúc nhiều như nhân viên y tế, nhân viên bán hàng… nên tiêm mũi 4.

TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy, cho biết hiện khoa đang điều trị cho chín bệnh nhân COVID-19 nặng. Thời gian qua, khoa tiếp nhận rải rác hằng ngày các ca bệnh nặng do COVID-19 ở TP.HCM và các tỉnh, trong đó hơn 60% bệnh nhân ở tuyến tỉnh. Các bệnh nhân chủ yếu lớn tuổi, mắc bệnh nền. Trong số này có các bệnh nhân không tiêm đủ liều vaccine hoặc không tiêm vaccine. BS Hùng lo ngại cùng với các dịch bệnh khác đang lưu hành như sốt xuất huyết, nếu COVID-19 tăng trở lại sẽ tạo áp lực không nhỏ lên hệ thống y tế.

BS Hùng phân tích đợt dịch cao trào rơi vào thời điểm cuối tháng 6 đầu tháng 7 năm ngoái và đến tháng 11, số ca mắc tích lũy rất nhiều. Đến tháng 2-2022, nước ta cơ bản phủ chích ngừa vaccine và tiếp tục tiêm mũi 3, cùng với số người đã nhiễm bệnh sẽ có trên 75% người có kháng thể, tạo nên miễn dịch cộng đồng khá tốt. Do đó, số ca nhiễm bệnh đã giảm đi.

Tuy nhiên, hiệu quả vaccine và người từng mắc bệnh có kháng thể bảo vệ được khoảng sáu tháng, do vậy từ tháng 2 đến tháng 8 năm nay, miễn dịch cộng đồng vẫn còn khá tốt. Nhưng sau đó, khả năng miễn dịch sẽ giảm, cùng với việc biến chủng mới có khả năng né tránh các loại kháng thể của vaccine; kháng thể của người nhiễm bệnh lần trước giảm nhiều; người dân đang không ủng hộ tiêm ngừa thêm nữa và mọi sinh hoạt đã dần trở lại bình thường, mỗi cá nhân không còn ý thức phòng tránh dịch sẽ dẫn đến khả năng mắc bệnh cao hơn và rơi vào từ tháng 9 trở đi.

Số ca mắc lại tăng mạnh, hai ca tử vong
tại Tây Ninh và Thanh Hóa

Thống kê từ Bộ Y tế, từ 16 giờ ngày 4-9 đến 16 giờ ngày 5-9, trên hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 2.161 ca mắc, tăng 771 ca nhiễm so với ngày 4-9.

Trong ngày, cả nước ghi nhận hai ca tử vong tại Tây Ninh, Thanh Hóa. Trung bình số tử vong ghi nhận trong bảy ngày qua: 1 ca.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm