Theo đó, hướng xử lý đối với những trường hợp ngư dân có tên trong danh sách bồi thường nhưng đang đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài thì chỉ có cha và mẹ hoặc vợ ở quê nhà được nhận thay để trả nợ, giải quyết khó khăn của gia đình.
Trao đổi cụ thể về vấn đề này, ông Phan Duy Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh, cho biết: “Trước hết anh em cán bộ sẽ ra ngoài Cục Xuất nhập cảnh xác nhận thời điểm người lao động đi xuất cảnh sang nước ngoài lao động. Sau khi xác định được đúng đối tượng rồi, anh em sẽ hướng dẫn thủ tục nhận thay và xin ý kiến UBND tỉnh Hà Tĩnh về quy trình cho nhận thay. Theo đó, chỉ có cha và mẹ hoặc vợ được nhận thay tiền để tránh tranh chấp, kiện tụng sau này”.
Còn cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Nghi Xuân cho biết: “Chúng tôi đang hướng dẫn để ngư dân thuộc diện bồi thường nhưng đang đi lao động ở nước ngoài đến Đại sứ quán Việt Nam xin xác nhận ủy quyền. Sau đó sao chụp gửi qua mạng Internet về để người nhà đi in màu. Sau khi có giấy in màu thì người nhà viết đơn xin nhận tiền và cam kết (có công an xã xác nhận). Nếu sau này ngư dân về nước tiếp tục đòi chính quyền tiền thì người nhà phải có trách nhiệm trả lại tiền cho chính quyền để trả lại cho ngư dân đó”.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM vào chiều cùng ngày, ông Hoàng Ngọc Khanh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết Huế cũng đang gặp khó trong việc chi trả bồi thường khi người dân được hưởng tiền bồi thường vắng mặt tại địa phương.
Ông Khanh cho hay theo hướng dẫn chung thì những người bị thiệt hại được bồi thường từ sự cố môi trường biển phải ký nhận chứ không ủy quyền. Do vậy, một số trường hợp tại địa phương hiện gác lại, chưa giải quyết được. “Đây là quy định chung nên phải chờ thống nhất giữa bốn tỉnh. Nguyên tắc chung là những người nào có tên trong danh sách bồi thường thì người đó mới được đến nhận” - ông Khanh cho hay.
Trong trường hợp người được bồi thường đã đi nước ngoài thì người nhà phải có giấy ủy quyền có xác nhận, ký tên. “Nếu không đúng thủ tục ủy quyền mà chúng tôi chi trả tiền thì lỡ thời gian sau, những người này về họ khiếu nại thì sao, vì không có văn bản thủ tục ủy quyền” - ông Khanh nói.
Tương tự, ông La Phúc Thành, Chủ tịch UBND huyện Phú Vang, cho hay: “Khi chi trả tiền bồi thường, chúng tôi mời họ về mà họ chưa về thì phải chờ thôi”.
Theo Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, Bộ Tài chính quy định việc chi trả bồi thường sẽ được hoàn thành trong tháng 6, vì thế tỉnh sẽ xin ý kiến chỉ đạo về những trường hợp này. Nếu đồng ý giữ số tiền đó tại ngân hàng, khi nào họ về hoặc làm đủ thủ tục pháp lý thì sẽ đến nhận, còn không thì sẽ quyết toán trả lại vì không có người đến nhận.
Tại huyện Nghi Xuân và thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), dù tiền bồi thường cho ngư dân bị thiệt hại từ sự cố Formosa xả thải đã về đến địa phương nhưng hiện nay rất nhiều bà con ở huyện Nghi Xuân và thị xã Kỳ Anh vẫn chưa thể nhận được nguồn tiền này. Lý do là chính quyền yêu cầu người nhận tiền phải là “chính chủ”, tức người được liệt kê trong danh sách thiệt hại. Trong khi đó hàng trăm người trong số này đã xuất khẩu lao động nước ngoài trong năm 2016 (theo chủ trương hỗ trợ của Chính phủ). |