Đó là ý kiến của ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội tại Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tổ chức ngày 13-5 tại Hà Nội.
“Hiện mức bồi dưỡng cho nhân viên thú y rất thấp, mỗi ngày một người được 100 ngàn đồng trong khi lao động tự do còn được trả 250 ngàn – 300 ngàn đồng/ngày. Một xã chỉ có một cán bộ thú y, ngày vài hộ báo có lợn chết thì đúng là họ rất vất vả”, ông Sửu cho hay.
Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình và triển khai giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tổ chức tại Hà Nội ngày 13-5. Ảnh: MH
Ông Phạm Văn Xuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cũng cho biết cần xây dựng hỗ trợ cho nhân viên thú y phù hợp hơn. Cạnh đó, đại diện tỉnh Thái Bình cũng nêu khó khăn trong việc triển khai hỗ trợ hộ dân có lợn phải tiêu hủy. Hiện Thái Bình đã tiêu hủy xấp xỉ 15 ngàn tấn lợn mắc bệnh, chi phí tiêu hủy tính theo giá hỗ trợ đền bù vào khoảng 470 tỷ đồng. Tuy nhiên ngân sách dự phòng chỉ có hơn 100 tỷ đồng.
Tại hội nghị, một số ý kiến cũng cho rằng cần có hỗ trợ cho cả doanh nghiệp chăn nuôi lợn. Bởi hiện nay, theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ thì nhiều doanh nghiệp có tổng đàn rất lớn lại không được hỗ trợ. Bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến cũng lo ngại tình hình dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh như hiện nay sẽ tạo điều kiện cho thịt lợn ngoại nhập khẩu vào Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Xuân Cường, cho biết ngành chăn nuôi chưa bao giờ đối mặt với loại dịch nan giải như dịch tả lợn châu Phi. Hiện dịch đã lan ra 29 tỉnh với hơn 1,2 triệu con lợn bị tiêu hủy, chiếm 4% trong tổng đàn và còn nguy cơ lây lan nhanh trong thời gian tới.
Ông Cường đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan, địa phương cần có hướng dẫn thay đổi chỉ đạo cho phù hợp với tình hình mới. Có chính sách thu mua thịt sạch để có lượng thịt sạch dự trữ, giảm tải nguy cơ rủi ro, đề phòng bất ổn thị trường. Đồng thời cân nhắc, nghiên cứu đề xuất một chính sách phù hợp nhất để động viên doanh nghiệp chăn nuôi…