Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM, cho biết: Gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm nhằm giúp kinh tế phục hồi và phát triển được triển khai cho 11 nhóm ngành khác nhau như ngành hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục - đào tạo; nông - lâm nghiệp - thuỷ sản; công nghiệp chế biến - chế tạo; xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin; bao gồm cả hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế này, trừ hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản.
Đến nay doanh số cho vay trên địa bàn thành phố đã tăng mạnh so với giai đoạn đầu triển khai, đạt 35.600 tỉ đồng. Trong khi tháng 11 năm ngoái, doanh số cho vay theo gói này mới chỉ đạt 19.000 tỉ đồng (tương đương tăng 47% sau 2 tháng gần đây-PV).
Điều đó cho thấy các ngân hàng đã và đang tích cực để giải ngân gói vay ưu đãi 2%/năm, và đây cũng là trách nhiệm thực thi của các ngân hàng thương mại, không gây phiền nhiễu cho doanh nghiệp đủ điều kiện được vay.
"Tuy nhiên, do đây là gói vay ưu đãi được sử dụng từ ngân sách nhà nước nên các ngân hàng rất thận trọng để việc giải ngân đúng quy định, đúng đối tượng, đúng mục đích... trong đó, tiêu chí đánh giá “khả năng phục hồi” là một trong những nội dung các ngân hàng gặp lúng túng.
Ở chiều ngược lại, có những khách hàng được ngân hàng thương mại chủ động mời lên để làm thủ tục hỗ trợ nhưng họ mấy mặn mà vì e ngại khâu hậu kiểm" - ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết thêm.
Cũng theo ông Lệnh, ngay cả khi những vướng mắc về mặt chính sách được tháo gỡ nhưng với tâm lý e ngại của doanh nghiệp, nhiều khả năng thị trường không thể hấp thụ hết gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2% với quy mô 40.000 tỉ đồng.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước có thể đề xuất chuyển một phần ngân sách không dùng hết từ gói hỗ trợ sang sử dụng cho chương trình khác có khả năng hấp thụ tốt hơn, chẳng hạn một số chương trình cho vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội.