Nhiều kiến nghị 'nóng' gỡ vướng gói hỗ trợ lãi suất 2%

(PLO)- Gói hỗ trợ lãi suất 2% rất có ý nghĩa với doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều kiện cho vay quá khắt khe, nên chương trình kích thích tín dụng này chưa lan tỏa được như kỳ vọng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 26-8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định 31/2022.

Khách hàng không thuộc đối tượng được hỗ trợ, doanh nghiệp từ chối tham gia

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Toàn Vượng - Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết, ngân hàng Agribank xác định chính sách hỗ trợ lãi suất là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng và Nhà nước. Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của NHNN, ngay khi Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của NHNN được ban hành, Agribank đã ban hành Quy định 968 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Tính đến 22-8, dư nợ của các hợp đồng tín dụng ký kết từ 1-1-2022 của khách hàng thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất qua rà soát, nhận diện của ngân hàng Agribank là 40.000 tỷ đồng.

Đến thời điểm hiện tại, dư nợ được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 đạt khoảng 1.700 tỷ đồng, doanh số cho vay khoảng 1.900 tỷ đồng với 361 khách hàng, số tiền lãi hỗ trợ cho khách hàng là 1,5 tỷ đồng.

Dự kiến trong tháng 9, Agribank sẽ thực hiện hỗ trợ lãi suất cho khách hàng với dư nợ lũy kế được hỗ trợ là 8.500 tỷ đồng, số tiền lãi hỗ trợ khoảng 15 tỷ đồng và đến hết năm 2022 số tiền hỗ trợ lãi suất sẽ đạt khoảng 1.000 tỷ đồng.

Phó Tổng Giám đốc Agribank trình bày một số khó khăn, vướng mắc của Ngân hàng khi thực hiện gói hỗ trợ. Ảnh: NHNN.

Phó Tổng Giám đốc Agribank trình bày một số khó khăn, vướng mắc của Ngân hàng khi thực hiện gói hỗ trợ. Ảnh: NHNN.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Agribank cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Thứ nhất, với 96% tổng số lượng khách hàng của Agribank là khách hàng cá nhân; để tạo điều kiện, đơn giản hóa thủ tục đối với khách hàng cá nhân vay vốn thanh toán các chi phí hoạt động kinh doanh, Agribank đã có cơ chế cho vay theo hạn mức quy mô nhỏ, tối đa không quá 300 triệu đồng/khách hàng, thời hạn duy trì hạn mức tối đa 3 năm kể từ ngày ký kết. Do đó, nhiều hợp đồng tín dụng đã ký kết với khách hàng trước thời điểm 1-1-2022 không đủ điều kiện để được hỗ trợ theo Chương trình.

Mặt khác, đối tượng khách hàng hộ kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và khách hàng cá nhân vay vốn dưới 300 triệu đồng không thuộc diện đối tượng được hỗ trợ theo quy định. Vì vậy, số lượng khách hàng thực tế đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất còn hạn chế.

Thứ hai, vướng mắc liên quan đến hồ sơ, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay. Điểm 2.4, khoản 2, điều 6 Thông tư 78 năm 2014 của Bộ Tài chính quy định một số trường hợp thu mua hàng hóa, dịch vụ đầu vào có thể chỉ lập bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ, trong đó có hàng hóa là nông, thủy, hải sản…

Tuy nhiên, đến thời điểm kiểm tra, thanh tra, quyết toán hỗ trợ lãi suất, về mặt thực tế đối tượng hình thành từ vốn vay đã được luân chuyển qua chu kỳ sản xuất kinh doanh hoặc đã tất toán, về mặt chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn thì không có hóa đơn tài chính mà chỉ có bảng kê thu mua hàng hóa.

Điều này phần nào gây khó khăn, e ngại cho ngân hàng và khách hàng khi chứng minh mục đích sử dụng vốn với cơ quan thanh tra, kiểm toán.

Thứ ba, một số hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng trong thực tế vừa có sự tương đồng nhưng cũng có sự khác biệt với các ngành nghề, lĩnh vực được quy định và không thể tách bạch chi tiết. Vì vậy, Agribank đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể hơn.

Thứ tư, chương trình hỗ trợ lãi suất được lấy kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước nên chi nhánh, khách hàng cũng thận trọng hơn trong quá trình thực hiện. Một số trường hợp chưa thực hiện hỗ trợ lãi suất cho khách hàng tại kỳ thu lãi do tại thời điểm đó khách hàng đang trong giai đoạn hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, tài liệu để được hỗ trợ lãi suất. Tính đến 31-7-2022, dư nợ đối với các đối tượng này là 1.644 tỷ đồng với 155 khách hàng.

Chia sẻ với phát biểu của đại diện Agribank, ông Nguyễn Trần Mạnh Trung - Phó Tổng Giám đốc Vietinbank cho biết thêm nhiều nguyên nhân nữa khiến tiến độ giải ngân gói hỗ trợ lãi suất vẫn còn chậm.

Một là, nhiều doanh nghiệp vay vốn ngân hàng kinh doanh đa ngành nghề nên việc bóc tách lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất cũng như chứng từ chứng minh đồng vốn vay được sử dụng cho lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất là rất khó.

Hai là, một trong những điều kiện để được hỗ trợ lãi suất theo quy định của Nghị định 31 là khách hàng phải có phương án về khả năng phục hồi. Tuy nhiên, NHNN vẫn chưa có hướng dẫn về phương án khả năng phục hồi, mỗi ngân hàng hướng dẫn một kiểu khiến khách hàng bối rối cũng như khó khăn cho công tác thanh, kiểm tra sau này.

Ba là, ngoài thủ tục phức tạp, nhiều doanh nghiệp lo ngại sau khi tham gia lại bị cơ quan thanh tra, kiểm toán vào làm việc, rất mất thời gian.

Đại diện Vietcombank cũng cho rằng, đánh giá về khả năng phục hồi và khả năng trả nợ là khó khăn lớn đối với ngân hàng. Đánh giá khách hàng suy giảm hay phục hồi như thế nào, mỗi ngân hàng có sự khác biệt trong việc đánh giá khả năng phục hồi và khả năng trả nợ của khách hàng..

Những khách hàng khó khăn do tác động của chiến tranh thương mại lại không thuộc đối tượng hỗ trợ. Hay như nhóm khách hàng xuất khẩu thủy sản, vay USD nhưng Nghị định chỉ cho phép hỗ trợ với các khoản vay bằng VND.

Lãnh đạo các ngân hàng BIDV, TPBank, Sacombank, MB, NamABank… cũng cho biết, bên cạnh nhiều doanh nghiệp bị ngân hàng từ chối duyệt đề nghị hỗ trợ lãi suất 2% vì không đủ điều kiện thì có nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện nhưng từ chối tham gia vì e ngại thủ tục rườm rà, ngại thanh tra, hậu kiểm tra.

Kiến nghị của các NHTM về chính sách hỗ trợ lãi suất

Từ thực tiễn triển khai, Phó Tổng Giám đốc Agribank nêu 4 kiến nghị tới Hội nghị.

Một là, đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành, NHNN xem xét “hạ chuẩn cho vay” để mở rộng đối tượng hỗ trợ lãi suất, cụ thể là đối với khách hàng là hộ kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Hai là, đề nghị NHNN hướng dẫn, chủ trì phối hợp với Kiểm toán Nhà nước, cơ quan quản lý Nhà nước thống nhất các nội dung trong triển khai Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31, đặc biệt là các nội dung về hóa đơn, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn đối với khách hàng khi giải ngân tiền mặt trên 100 triệu đồng và sử dụng bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ.

Ba là, đối với các trường hợp khách hàng đã giải ngân và ký hợp đồng tín dụng từ 1-1-2022 đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, thống nhất về đối tượng và điều kiện áp dụng đã quá kỳ hạn trả lãi, thì đề nghị NHNN, các Bộ ngành xem xét cho phép các tổ chức tín dụng thống kê và hạch toán bổ sung hỗ trợ lãi suất đối với các khách hàng này.

Bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong triển khai chương trình. Ảnh: NHNN.

Bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong triển khai chương trình. Ảnh: NHNN.

Bốn là, các cơ quan Thông tấn báo chí truyền thông cụ thể, đầy đủ, rõ ràng chính sách và chủ trương của Chính phủ về "Gói hỗ trợ lãi suất 2% với quy mô 40.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước trong vòng 2 năm từ 2022 - 2023" để các đối tượng khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nắm bắt thông tin và sớm tiếp cận Chương trình. Tránh hiện tượng khách hàng phản ánh không đúng, không đầy đủ trong khi thực tế khách hàng không thuộc đối tượng hoặc không đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất theo quy định.

Ông Nguyễn Việt Cường - Phó tổng giám đốc Vietcombank cũng kiến nghị, NHNN phải phối hợp với các bộ, ngành ban hành tiêu chí cụ thể về khả năng phục hồi và mở rộng phạm vi khách hàng được hỗ trợ, cho phép các hộ kinh doanh không có đăng ký kinh doanh được hỗ trợ lãi suất.

Một số lãnh đạo ngân hàng khác kiến nghị các bộ, ngành có giải pháp tháo gỡ về hóa đơn bán lẻ, dư nợ các khoản vay bằng ngoại tệ, mở rộng đối tượng về xuất khẩu lúa gạo, xây lắp... Đồng thời, có giải pháp giải tỏa tâm lý e ngại về thanh kiểm tra cho doanh nghiệp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm