Vì sao người dân, doanh nghiệp gửi mạnh tiền vào ngân hàng?

(PLO)- Tiền gửi của người dân tăng trưởng mạnh, đạt hơn 5,6 triệu tỷ đồng vào cuối tháng 6. Tính bình quân, mỗi ngày người dân mang thêm gần 1.772 tỷ đồng gửi các ngân hàng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 6, tổng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng đạt hơn gần 11,4 triệu tỷ đồng, tăng hơn 92.400 tỷ đồng so với cuối tháng 5 và tăng hơn 522.500 tỷ đồng so với cuối năm 2021, tương đương với mức tăng 3,78% so với cuối năm ngoái.

Trong đó, số dư tiền gửi của dân cư đạt hơn 5,61 triệu tỷ đồng, tăng 6,02%, tức là trong 6 tháng đầu năm, dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư chảy vào hệ thống ngân hàng thêm 320.000 tỷ đồng. Còn so với tháng trước, lượng tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng tăng thêm hơn 50.400 tỷ đồng. Tính bình quân, mỗi ngày người dân mang thêm gần 1.772 tỷ đồng gửi vào các nhà băng.

Đáng chú ý, tốc độ tăng của tiền gửi người dân gần gấp đôi so với tiền gửi của các tổ chức kinh tế (tăng 3,61% so với cuối năm ngoái, đạt 5,84 triệu tỷ đồng). Tính riêng tháng 6, số dư tiền gửi của nhóm khách hàng này đã tăng thêm gần 42.000 tỷ đồng.

Có thể thấy tiền gửi từ tổ chức kinh tế tăng trở lại từ tháng 5 sau khi giảm nhẹ vào tháng 4. So với tháng 4, tiền gửi từ khu vực kinh tế tăng 11.589 tỷ đồng.

Xu hướng này trái ngược hoàn toàn với hai năm COVID. Giai đoạn 2020 - 2021, do môi trường lãi suất thấp, tiền gửi ngân hàng kém cạnh tranh hơn các kênh đầu tư khác khiến người dân rút tiền để rót vào chứng khoán, bất động sản. Trong khi đó, tiền gửi của các doanh nghiệp lại tăng mạnh do dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến họ không dám mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Sau dịch bệnh, nền kinh tế mở cửa và phục hồi mạnh mẽ đã khiến dòng tiền đảo chiều rõ rệt. Các ngân hàng cũng liên tục tăng lãi suất từ đầu năm đến nay để thu hút tiền gửi của khách hàng cá nhân. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng tiền gửi tại hệ thống ngân hàng đạt 4,77%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 (3,83%).

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tiền gửi vẫn còn thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đến cuối tháng 6/2022 đạt hơn 11,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,44% so với đầu năm.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân lượng tiền đổ vào ngân hàng tăng là do hiện nay thị trường chứng khoán ảm đạm, nhiều nhà đầu tư đang thua lỗ nên tiền tạm thời không đổ vào thị trường chứng khoán. Thị trường bất động sản chậm lại, giá tăng cao, thanh khoản kém. Thị trường vàng rung lắc và đang có xu hướng giảm.

Trong khi đó, lãi suất huy động của nhiều nhà băng tăng, đặc biệt là các nhà băng có vốn tư nhân, đã kích thích người dân và các tổ chức gửi tiền vào.

Tiền gửi ròng của tổ chức kinh tế và người dân. Số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước.

Tiền gửi ròng của tổ chức kinh tế và người dân. Số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 6, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại các ngân hàng thương mại ở mức 3,3 - 3,6%/năm, tăng 0,1 điểm % so với cuối năm 2021. Tương tự, lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng đạt 5,1 - 5,9%/năm, tăng 0,2 điểm %; kỳ hạn trên 12 tháng đến 24 tháng phổ biến ở mức 5,4 - 6,6%/năm, tăng 0,1 điểm % và tiền gửi kỳ hạn trên 24 tháng là 6,3 - 6,7%/năm, tăng 0,2 điểm %.

Lãi suất huy động đã tăng liên tục từ đầu năm đến nay, mức lãi suất trên 7,5% đã xuất hiện tại không ít ngân hàng. Chẳng hạn, lãi suất huy động của một số ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô vừa và nhỏ tăng đáng kể 0,5 - 1% ở một số kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên. Như từ 1-8, các ngân hàng SCB, SHB, CBBank… có lãi suất huy động kỳ hạn 13 tháng là 7,42 - 7,5%/năm.

Còn với các ngân hàng VPBank, ACB, Techcombank… lãi suất kỳ hạn 12 tháng quanh mốc 6,2 - 6,6%/năm, tùy theo món tiền gửi.

Đối với các ngân hàng có vốn nhà nước gồm Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV, lãi suất tiền gửi gần như giữ nguyên từ năm ngoái. Mức cao nhất kỳ hạn 13 tháng trở lên là 5,5 - 5,6%/năm.

Các chuyên gia tài chính dự báo từ nay đến đầu năm sau, tiền của dân cư gửi vào tổ chức tín dụng sẽ vẫn giữ xu hướng tăng do lãi suất huy động đang nhích lên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm