Tiền gửi cá nhân âm thầm chảy vào ngân hàng

(PLO)- Tiền gửi cá nhân và các tổ chức kinh tế vào các ngân hàng luôn chiếm tỉ trọng cao nhất trong tổng lượng tiền gửi vào hệ thống. 

Ngày 22-1, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho biết: Tính đến cuối năm 2023, tổng tiền gửi tiết kiệm dân cư của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn TP.HCM đạt hơn 1,34 triệu tỉ đồng, tăng 7,8% so với năm 2022, chiếm 38% so với tổng tiền gửi trên địa bàn thành phố. Đây là bộ phận tiền gửi luôn chiếm tỉ trọng cao trong tổng tiền gửi.

Còn theo số liệu của NHNN công bố, lượng tiền gửi của người dân và tổ chức kinh tế vào các ngân hàng trong năm 2023 đã đạt mức cao kỷ lục với hơn 13,5 triệu tỉ đồng vào cuối năm 2023, tăng 14% so với năm 2022. Dù lãi suất huy động đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, song dòng tiền nhàn rỗi vẫn “chạy” vào ngân hàng.

Tiền gửi tại các ngân hàng vẫn là sự lựa chọn ưu tiên của người dân trong bối cảnh các kênh đầu tư khác đều nhiều rủi ro. Ảnh: T.L

Phân tích về tốc độ tăng trưởng tiền gửi tại địa bàn thành phố, ông Lệnh cho biết: “So với 10 năm trước đây, cơ cấu tiền gửi có sự thay đổi theo xu hướng tiền gửi của tổ chức kinh tế và cá nhân tăng, chiếm tỉ trọng cao nhất. Do các sản phẩm dịch vụ huy động vốn của các TCTD không chỉ ngày càng đa dạng mà còn đem lại sự thuận lợi cho người gửi tiền (cả về lợi ích, kết hợp khả năng thanh toán, tín dụng…)

Trong đó, xu hướng phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đã tác động tích cực đến tiền gửi thanh toán, tiền gửi không kỳ hạn tại các TCTD trong những năm gần đây theo xu hướng ngày càng tăng, mang lại nhiều lợi ích cho ngân hàng, khách hàng và nền kinh tế”.

Về vai trò của tiền gửi tiết kiệm, ông Lệnh đánh giá: “Đối với người dân, kênh tiền gửi ngân hàng không chỉ mang lại lợi ích từ tiền lãi mà còn là nơi giữ của để dành, tích lũy tiện lợi và an toàn. Do đó, các TCTD cần phát triển đa dạng sản phẩm, hướng dẫn để người dân tiếp tục yên tâm chọn mặt gửi vàng."

Đối với các TCTD, mặc dù tiền gửi tiết kiệm có chi phí huy động vốn cao hơn so với tiền gửi không kỳ hạn nhưng việc tăng trưởng ổn định và bền vững của tiền gửi tiết kiệm dân cư lại có tác động tích cực đối với quá trình mở rộng và tăng trưởng tín dụng của các TCTD hiện nay.

Thực tế cho thấy, cơ chế chính sách về tiền tệ, tín dụng và lãi suất của ngân hàng nhà nước trong suốt thời gian qua đã và đang phát huy hiệu quả, củng cố vững chắc ổn định kinh tế vĩ mô và kìm giữ lạm phát, ổn định giá trị tiền đồng, chống đô la hóa nền kinh tế. Những kết quả quan trọng này là niềm tin, là sự thu hút người dân tiếp tục gửi tiền tiết kiệm vào hệ thống ngân hàng.

"Sự duy trì tốc độ tăng trưởng của bộ phận tiền gửi này ở mức bình quân 10%/năm trong suốt 10 năm qua không chỉ phản ánh đây là nguồn tiền gửi quan trọng mà còn cho thấy niềm tin, sự tín nhiệm cao của người dân đối với kênh tiền gửi ngân hàng, hiệu quả và tiện ích” - ông Lệnh nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới