‘Tiền rất nhiều, có lúc gần 1 triệu tỉ nằm trong két nhưng không chi được’

(PLO)- Phiên thảo luận tại diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ năm “nóng” với câu chuyện “có tiền mà không tiêu được” trong giải ngân vốn đầu tư công.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 17-12, diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ năm được tổ chức với bốn hội thảo chuyên đề, trong đó có nội dung “đẩy mạnh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công tạo động lực tăng trưởng kinh tế năm 2023”.

Nội dung buổi thảo luận tập trung vào các tồn tại trong công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 và các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Điều phối phiên thảo luận bàn tròn, TS.Võ Trí Thành (Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh) dẫn câu chuyện “tiền thì có rất nhiều, có lúc gần 1 triệu tỉ đồng nằm trong két nhưng không chi được”. Vậy làm thế nào để đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công?

Phiên thảo luận với chủ đề đẩy mạnh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công tạo động lực tăng trưởng kinh tế năm 2023. Ảnh: BTC

Phiên thảo luận với chủ đề đẩy mạnh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công tạo động lực tăng trưởng kinh tế năm 2023. Ảnh: BTC

“6 tháng trời vẫn có danh mục giải ngân bằng 0”

Ông Dương Bá Đức (Vụ trưởng Đầu tư, Bộ Tài chính) thừa nhận tình trạng “có tiền mà không tiêu được”, đây không chỉ là trăn trở trong phạm vi phiên thảo luận mà Thủ tướng cũng đã nhiều lần quán triệt.

Về phía Bộ Tài chính, cơ chế chính sách quản lý, thanh toán vốn đầu tư công đã được triển khai theo hướng tinh giản thủ tục tuyệt đối. Trước đây là kiểm toán trước thanh toán sau, đến nay ngược lại là thanh toán trước kiểm toán sau. Thủ tục nếu đủ hồ sơ đã giảm từ bốn ngày xuống còn một ngày. Việc thanh toán cũng được đưa lên cổng dịch vụ công, có thể ngồi tại cơ quan thanh toán thay vì hồ sơ giấy như trước đây.

Nói về việc chậm giải ngân, ông Đức cho rằng vướng mắc lớn nhất là ở khâu tổ chức thực hiện. “Chúng ta cứ nói về chính sách, nhưng vì sao cùng một cơ chế, có nhóm bộ ngành địa phương giải ngân rất tốt, nhưng lại có nhóm rất chậm” – ông Đức nói, và nhấn mạnh việc quan trọng là phải gắn kế hoạch với tổ chức thực hiện.

Vẫn theo ông Đức, trước đây nói rằng bộ ngành giao danh mục dự án làm ảnh hưởng đến địa phương. Nhưng hiện nay luật đã được sửa đổi theo hướng giao toàn quyền cho địa phương, bao gồm cả phân bổ và điều chỉnh kế hoạch.

“Vừa rồi Thủ tướng lập sáu đoàn công tác, chúng tôi đã đi thực tế một số địa phương. Sáu tháng trời vẫn có danh mục giải ngân bằng 0. Chứng tỏ là các anh có vấn đề” – vụ trưởng tiếp tục dẫn chứng, đồng thời lưu ý việc phải gắn thực tế với từng giai đoạn công việc, cùng đó là sát sao chỉ đạo.

Về cơ chế, chính sách, ông Đức thừa nhận vẫn có một số vướng mắc, điển hình là với các dự án quan trọng quốc gia hoặc liên vùng. Tỷ lệ các dự án như này là rất lớn. Hiện các bộ đang tổng hợp, xử lý theo hướng trình nghị quyết để Quốc hội ban hành, trước khi tiến tới sửa đổi các luật có liên quan.

Phó chủ tịch TP.HCM: “Muốn tiêu nhưng không có tiền”

Cũng bàn về tình trạng “có tiền mà không tiêu được”, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nhắc tới chuyện kế hoạch đầu tư công đã được Quốc hội, Chính phủ quyết định, trong đó TP.HCM với khoảng 146.000 tỉ đồng. Số này vừa đủ giải quyết các dự án, công trình của nhiệm kỳ trước đây, còn nhiệm kỳ này không dự án nào triển khai được nếu không có tiền.

Thực tế, TP.HCM đã có bài toán phân tích và dự báo về khả năng thu của thành phố. Theo đó, trong 5 năm tới, thành phố có thể thu 119.000 tỉ đồng, nhưng trong kế hoạch đầu tư công lại không xác định. Như vậy, thành phố có khả năng, có tiền nhưng muốn sử dụng nó trong tương lai thì chắc chắn phải xin ý kiến Chính phủ, Quốc hội.

“Đây là điểm khó, có tiền mà không tiêu được. Nếu không xác định sớm, liệu chăng có hoàn thành các nhiệm vụ, nghị quyết Đại hội Đảng thành phố đặt ra hay không?” – ông Hoan nói, và mong rằng sẽ sớm có giải pháp.

Đáng chú ý, Phó chủ tịch TP.HCM còn đề cập thêm một vấn đề, đó là “muốn tiêu nhưng không có tiền”.

Cụ thể, xét về tầm nhìn, TP.HCM có rất nhiều dự án đầu tư quy mô lớn (nhà hát, bệnh viện, quảng trường, các tuyến metro..), tính ra cả vài trăm ngàn tỉ đồng. Tuy nhiên, theo quy định, room nợ công của thành phố chỉ là 90% nguồn thu, tức là khoảng 70.000 tỉ đồng.

“Với room như này thì chúng tôi không thể có tầm nhìn” – ông Hoan nói, rồi dẫn chứng bằng các dự án đầu tư công cần nguồn vốn rất lớn.

“Có thể ở đâu đó room nhỏ vì không làm ra tiền, nhưng TP.HCM là nơi bỏ ra một đồng rồi thu hút cả vài ngàn đồng, thu hút đầu tư rất lớn, giải quyết không chỉ cho thành phố mà cả nước” – phó chủ tịch trình bày, đồng thời mong muốn cần có cơ chế về room cho TP.HCM.

Vẫn theo ông Hoan, những dự án đầu tư về xã hội, ví dụ cơ sở văn hóa, thể thao có thể lên tới cả ngàn tỉ đồng. Nếu chỉ trông chờ vào ngân sách thì không thể nhanh, kịp thời, bởi nguồn vốn là rất lớn, quy định phức tạp.

Ông kiến nghị cần có giải pháp, chẳng hạn huy động nguồn lực tư nhân. Cùng đó là có hướng dẫn, cách thức để chuyển dần những dự án mà doanh nghiệp có thể làm được sẽ làm xã hội hóa, trên cơ sở đúng mục đích.

Năm 2023 giải ngân 700.000 tỉ

Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, nhận định đầu tư công là kênh quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau COVID-19, tình hình thế giới có nhiều biến động.

Tuy nhiên, ông Hưng cũng nhắc lại tình trạng giải ngân chậm, đầu tư công hiệu quả chưa cao được nói nhiều trong năm nay. Cụ thể, năm 2017, đầu tư công giải ngân đạt 73%, năm 2018 tụt xuống 66%, năm 2019 là 67%, năm 2020 cao nhất là 82%, tới năm 2021 còn 72%, 11 tháng năm 2022 mới đạt trên 53,8%.

“So cùng kỳ năm ngoái tỷ lệ giải ngân 11 tháng là 63,8% cho thấy việc này rất bấp bênh. Đây không phải vấn đề mới, mà đã bàn nhiều, nói nhiều nhưng chưa được giải quyết căn cơ”, ông Hưng cho biết.

Thông tin thêm, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng vốn trên 700.000 tỉ đồng, tăng khoảng 25% (khoảng 140.000 tỉ đồng) so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 260.000 tỉ đồng so với kế hoạch 2021.

Đây cũng là năm phải giải ngân toàn bộ số vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, trong khi hoạt động đầu tư công vẫn còn nhiều hạn chế đã tồn tại từ lâu, chưa xử lý được trong thời gian ngắn như giải phóng mặt bằng, chất lượng chuẩn bị dự án, năng lực ban quản lý dự án, nhà thầu...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm