Tiến sĩ Đinh Thế Hiển bày cách đầu tư trái phiếu an toàn

(PLO)- Thị trường trái phiếu doanh nghiệp dù đang chậm lại nhưng vẫn đầy tiềm năng phát triển trong tương lai.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại Hội thảo Phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Niềm tin và giải pháp do Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp tổ chức sáng 30-11, Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho biết khi nhiều nhà đầu tư tìm đến nhờ tư vấn các hợp đồng mua trái phiếu thì mới thấy không mấy ai có sự hiểu biết về thị trường này.

"Nhiều người bỏ hàng tỉ đồng vào mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) với suy nghĩ rất đơn giản do bị thu hút bởi sức hấp dẫn lãi suất cao hơn ngân hàng.

Trong khi đó, mọi người lại quên mất, lợi nhuận cao cũng đồng nghĩa với rủi ro cao. Do đó, nhà đầu tư muốn tham gia đầu tư vào TPDN cần tìm hiểu thông tin từ những nguồn tin cậy, minh bạch, cần quan sát thực trạng doanh nghiệp và ghi nhận thông tin từ những nguồn tin chính thống" - Luật sư Hưng nói.

Các chuyên gia đánh giá, tiềm năng phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam còn rất lớn. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Các chuyên gia đánh giá, tiềm năng phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam còn rất lớn. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Theo tiến sĩ Đinh Thế Hiển, trên thế giới, các quỹ mở chiếm 80% giá trị đầu tư chứng khoán với tổng giá trị năm 2020 là 44.000 tỉ USD. Trong đó, đầu tư trái phiếu chiếm khoảng 45%. Tại Việt Nam quy mô quỹ mở còn thấp, chỉ chiếm 0,5% GDP trong năm 2022.

Một trong những dấu hiệu để nhận định TPDN có an toàn hay không là lãi suất cao không quá 30% so với lãi suất cho vay ngân hàng.

Những công ty phát hành là công ty cổ phần đại chúng niêm yết hoặc được tổ chức xếp hạng uy tín đánh giá AAA.

"Xu hướng chung của thị trường chứng khoán quốc tế là nhà đầu tư thông qua những quỹ mở với đội ngũ chuyên nghiệp. Các đơn vị này sẽ đầu tư những trái phiếu tốt, có độ an toàn cao, giúp nhà đầu tư linh hoạt trong thoái vốn.

Nhìn chung để đầu tư TPDN một cách an toàn trong giai đoạn này, nhà đầu tư nên chọn mua trái phiếu của các công ty có tên tuổi, uy tín và được xếp hạng tín nhiệm rõ ràng" - ông Hiển nói.

Tiến sĩ Trịnh Đoàn Tuấn Linh, chuyên gia tài chính ngân hàng nhìn nhận, trong giai đoạn 2018 - 2021, thị trường TPDN phát triển mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng bình quân thị trường TPDN đạt 40%/năm.

Đến năm 2020, giá trị phát hành mới đạt 429,5 ngàn tỉ đồng, tăng 28,3% so với năm 2019.

Quy mô thị trường TPDN năm 2020 tương đương 15,1% GDP và 10,3% dư nợ tín dụng. Điều này cho thấy kênh huy động vốn qua trái phiếu, một trong các cấu phần của thị trường vốn cùng với kênh tín dụng và kênh cổ phiếu đã đóng vai trò quan trọng trong việc khai thông nguồn vốn cho sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam.

Mặc dù giá trị phát hành TPDN Việt Nam đã tăng mạnh trong giai đoạn 2018 - 2021, tuy nhiên thị trường TPDN Việt Nam vẫn được xem là giai đoạn mới phát triển. So với những nước trong khu vực như Singapore và Malaysia thì tổng giá trị phát hành vẫn chiếm tỉ lệ nhỏ.

Do đó, tiềm năng phát triển của thị trường TPDN vẫn còn rất lớn, đặc biệt sau khi cơ quan quản lý nhà nước đã có những quy định sửa đổi với mục tiêu bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư cũng như nâng cao chất lượng của thị trường vốn.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Đề xuất cơ chế tránh độc quyền vàng miếng

Đề xuất cơ chế tránh độc quyền vàng miếng

(PLO)- NHNN Chi nhánh TP.HCM kiến nghị xem xét đề xuất cơ chế quản lý phù hợp, hiệu quả tránh độc quyền vàng miếng, tạo lợi ích nhóm cho các đơn vị kinh doanh vàng miếng tự niêm yết giá.