Người ta gọi Trần Ngọc Dũng là “tiến sĩ nước mắm” dù ông là giảng viên ĐH, là tiến sĩ marketing loại giỏi của ĐH Sorbonne (Pháp). Ngày Dũng chân ướt chân ráo về Phan Thiết sưu tập hiện vật để làm bảo tàng nước mắm đầu tiên của đất Việt nhiều người nghi ngờ, thậm chí còn cho rằng ông bị khùng. Bởi khi ấy ông từ bỏ những thành công và tương lai rực rỡ đang có mà ôm cả trăm tỉ đồng quay về quê hương khởi nghiệp.
Khôi phục nước mắm Tĩn thất truyền
Đậu thủ khoa ĐH Kinh tế TP.HCM, Dũng có học bổng sang ĐH Monash (TP Melbourne, Úc) học bốn năm chuyên ngành quản trị kinh doanh. Sau đó Dũng sang Pháp học thạc sĩ và đến năm 2004 bảo vệ thành công luận án tiến sĩ marketing loại giỏi ở ĐH Sorbonne.
Về Sài Gòn, Dũng tiên phong mở công ty liên doanh với Nhật Bản để nghiên cứu thị trường hàng tiêu dùng. Dũng còn được một doanh nghiệp ở Mỹ trả mỗi tháng tới 20.000 USD để nghiên cứu phân tích thị trường cho họ tại Việt Nam…
Vợ đẹp, con ngoan, nhà mặt tiền, đi xe hơi, thu nhập cao ngất là ước mơ của biết bao người nhưng Dũng lại nhớ mùi nước mắm quê hương. Sinh ra và lớn lên tại một làng chài ở phường Bình Hưng, cạnh con sông Cà Ty chảy vắt ngang TP Phan Thiết, từ nhỏ nước mắm của mẹ làm trong mỗi bữa cơm đã ăn sâu vào từng thớ thịt, vào máu của Dũng.
Quá trình làm việc, hợp tác với người Nhật, ông vô cùng thích thú với câu chuyện “Mỗi làng một sản phẩm”, khởi phát năm 1979 tại làng Oyama, tỉnh Oita, Nhật Bản. Đó là mô hình muốn phát triển sản phẩm làng nghề phải có sản phẩm du lịch đi kèm với câu chuyện văn hóa độc đáo, từ quy mô nhỏ lẻ có thể thành thương hiệu lớn.
Ông lao vào nghiên cứu rồi quyết định bán công ty ôm tiền trở về Phan Thiết, mua một khu đất rộng trong thời điểm bất động sản đang hưng thịnh, chỉ cần sang tay đã kiếm lợi nhuận gấp cả chục lần. Ông làm việc hết sức có thể kể cả thứ Bảy, Chủ nhật để khôi phục lại cái tên nước mắm Tĩn đã thất truyền hàng chục năm.
300 năm trước nước mắm Tĩn gắn liền với bước chuyển từ kỹ nghệ ủ chượp nhỏ lẻ của người Chăm sang sản xuất lớn trong thùng lều gỗ của những làng chài lập ra bởi người Kinh di dân vào Phan Thiết. Đến năm 1962, nước mắm Tĩn đã góp phần lớn cho ngành nước mắm thương mại và biến Phan Thiết thành thủ phủ nước mắm của miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên sau năm 1975, nước mắm Tĩn không còn, nhiều thế hệ sau này không hề biết những tĩn nước mắm sóng sánh màu hổ phách đã từng vang bóng một thời.
Phải mất mấy năm vừa sưu tập, vừa thiết kế xây dựng, vừa phải giảng dạy môn tiếp thị du lịch tại ĐH Phan Thiết để tìm chọn người giữ lại, đào tạo cho dự án. Cuối cùng bốn hạng mục chính của dự án gồm vở diễn Huyền thoại làng chài, cụm nhà hàng, bảo tàng nước mắm và nước mắm thương phẩm lần lượt ra đời.
Dự án văn hóa Làng Chài Xưa là nơi nhiều du khách, trong đó có các học sinh trải nghiệm giá trị. |
Hãy trải nghiệm từ con số 0
Gặp lại chúng tôi ở Phan Thiết, Dũng tự hào nói trong năm năm qua từ khi dự án văn hóa Làng Chài Xưa hình thành đã có nhiều hoài nghi về tính khả thi của mô hình sản phẩm văn hóa tư nhân tại Phan Thiết. Tuy nhiên, đến nay sức sống của dự án được khẳng định khi đón hơn nửa triệu lượt khách; các trường học, công ty du lịch thường xuyên đưa chương trình tham quan bảo tàng, nhà hát, ẩm thực… vào gói tour.
Tại bảo tàng nước mắm, du khách như sống cùng 300 năm lẫy lừng của vùng đất này với ông quan bát phẩm Trần Gia Hòa - người đưa nước mắm Phan Thiết đi khắp Việt Nam chiếm thị phần lớn nhất lúc bấy giờ, với bà Lục Thị Đậu - người mở đường Phan Thiết - Mũi Né, hay với ông Hồ Lộng Địch và phòng xét nghiệm nước mắm buổi sơ khai…
Hơn năm năm rồi, đến giờ mọi người mới hiểu vì sao “tiến sĩ nước mắm” từ chối tất cả để một mình quyết tâm đi đến cùng vì chỉ có ông mới cảm nhận được hết giá trị, sứ mệnh khác biệt của dự án. “Nếu bạn được trải nghiệm hành trình trở về số 0 để thấy rằng chính ở số 0 nếu đạt ngưỡng tinh thần tối giản thì là một trạng thái tốt đẹp. Ở đó bạn có tinh thần tự do nhất, không bị ràng buộc bởi định kiến xã hội; ở đó bạn đạt được tinh thần không phụ thuộc vào tài sản nên sẽ rất sáng suốt trong việc lên chiến lược và thực thi kế hoạch” - ông Dũng tâm sự.
Dũng nói ông muốn nhân rộng mô hình này, ông sẽ là người truyền cảm hứng và sẽ huấn luyện thêm cho đội ngũ các bạn trẻ muốn làm những mô hình tương tự tại những địa phương khác với những sản vật khác.