Phải có giải pháp đưa tiền trợ giá từ ngân sách (cũng là tiền đóng thuế của dân) trả về trực tiếp, phục vụ nhu cầu đi lại bằng xe buýt của người dân. Sáng 8-4, tại buổi đánh giá “14 năm sử dụng tiền trợ giá cho xe buýt (2002-2015): Hiệu quả và lộ trình đến năm 2020” do Sở GTVT TP.HCM tổ chức, nhiều ý kiến đề nghị như trên.
Tiền đi vòng vèo, hao hụt
Theo TS Dư Phước Tân - Viện Nghiên cứu phát triển TP, cách trợ giá cho xe buýt như lâu nay là lấy tiền từ ngân sách (tiền đóng thuế của dân) rót cho nhà xe, đơn vị dịch vụ vận tải bằng xe buýt. Sau khi người dân đi xe trả thêm một phần tiền (phần chênh lệch giữa giá vận tải trừ cho tiền trợ giá) thì được nhà xe trao cho tấm vé đã được trợ giá. Với cách này, tiền trợ giá không trực tiếp đến người dân mà phải qua trung gian là nhà xe, đơn vị dịch vụ, hợp tác xã.
Theo GS-TS Nguyễn Thị Cành - Trường ĐH Kinh tế-Luật, cách trợ giá trên tất yếu dẫn đến đồng tiền từ ngân sách phải qua nhiều tầng nấc, đầu mối dẫn đến chi phí quản lý cao và tất yếu là tiền trợ giá thực đã bị “hao mòn” trên đường lưu thông. “Tiền trợ giá là tiền của dân phải trả về, phục vụ cho dân chứ không phải cho doanh nghiệp vận tải, nhà xe chạy buýt. Do đó, tiền trợ giá phải đi con đường ngắn nhất, ít qua các khâu quản lý trung gian để trực tiếp đến với người dân đi xe buýt!” - GS-TS Nguyễn Thị Cành nói.
Theo ông Nguyễn Văn Lâm - Phó ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP, từ cách trợ giá gián tiếp qua đơn vị vận tải, nhà xe đã dẫn đến tâm lý của các chủ thể này cho rằng mình là người ban phát dịch vụ đi xe buýt cho dân. Các tệ trạng bỏ không đón khách ở trạm dừng, nhà chờ, khách lên xe không xé vé, phân biệt đối xử khách dùng vé lượt, vé tháng… là biểu hiện của tâm lý ban phát này. Cũng từ đó, chất lượng kỹ thuật của xe không được coi trọng. “Xe chạy mà không mở máy lạnh hoặc máy lạnh hư, chạy thì ồn, rung lắc, từ xe bước xuống đường thì bị “ném” lại những đụn khói đen kịt… thì ai còn dám đi xe buýt” - ông Lâm nói.
Có smart card thì sẽ hết bán vé giấy thủ công, kiểm soát được nguồn tiền chi từ ngân sách trợ giá cho xe buýt. Ảnh: LĐ
Quẹt thẻ khi đi xe buýt
TS Nguyễn Thị Bích Hằng, Trường ĐH GTVT (Cơ sở 2), cho biết việc sử dụng thẻ đi xe buýt (vé điện tử thông minh - smart card) và thu tiền tự động qua thẻ giúp kiểm soát được chi phí, doanh thu và thống kê chính xác, khách quan lượng hành khách đi xe buýt. Đây là điều kiện tiên quyết để TP áp dụng phương pháp trợ giá theo sản lượng hành khách, thay vì theo định mức khoán như hiện nay.
“Tuy nhiên, smart card không thể thực hiện được khi hệ thống phân phối, soát vé và thống kê sản lượng hành khách đi xe buýt của TP.HCM hiện nay hoàn toàn thủ công” - TS Hằng nói.
Theo ông Đậu An Phúc - Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng, đến cuối năm 2016 có thể sẽ áp dụng hệ thống vé điện tử thông minh trên 136 tuyến xe buýt hiện có (105 tuyến có trợ giá, 31 tuyến không trợ giá). Người dân đi xe buýt sẽ sử dụng các thẻ từ chứa sẵn tài khoản và khoản tiền nạp vào máy cảm ứng từ gắn trên xe buýt. Máy cảm ứng sẽ truyền dẫn thông tin về người đi, hành trình, số tiền phải trả… về trung tâm và đơn vị quản lý, khai thác xe.
Phải thay đổi cách quản lý, chất lượng dịch vụ Trong năm 2016 đến đầu 2017, Sở GTVT TP.HCM phải hoàn thiện vé điện tử thông minh đi xe buýt. Vì đây là điều kiện cần để TP kiểm soát được nguồn tiền chi từ ngân sách trợ giá cho xe buýt. Muốn thực hiện điều này, cần thiết phải cấu trúc lại chín hợp tác xã để có những đầu mối tập trung, có sức mạnh về kinh tế và quản lý, hướng hoạt động của xe buýt ngày càng hấp dẫn người dân. Có thay đổi về cách quản lý, thay đổi chất lượng dịch vụ thì mới có người dân đi xe, quẹt thẻ. Từ đó, nhà xe, đơn vị vận tải mới có thêm khách, có doanh thu! Ông NGUYỄN VĂN LÂM, Sẵn sàng áp dụng thẻ thông minh Để tiến đến xe buýt văn minh, hiện đại, thân thiện với hành khách, hợp tác xã đã chuyển mạnh từ hoạt động theo mô hình dịch vụ hỗ trợ sang quản lý tập trung. Từ đó, hoạt động của từng chiếc xe buýt, từng tuyến được quản lý, kiểm soát chặt chẽ và điều động linh hoạt. Đó cũng là cơ sở để hợp tác xã sẵn sàng áp dụng thẻ thông minh cho hành khách quẹt khi đi xe buýt. Ông NGUYỄN VĂN TRIỆU, |