Theo thông tin nghiên cứu trên mạng, cảm nhận chung của du khách khi đến Việt Nam đó là tình trạng chèo kéo khách, dù chủ động bán cái gì đó nhưng gây phiền hà cho khách, lề đường có nhưng lại bị lấn chiếm để xe nên coi như không có lề đường cho người đi bộ. Còi xe inh ỏi, tôi thấy khoảng 6 giờ sáng đã có tiếng còi rồi, tài xế taxi lừa đảo… Vì vậy các bạn phải xem xét, cân nhắc.
Cần suy nghĩ về cuộc sống ngày xưa
Tôi hiểu đa số mọi người đã hiểu phát triển du lịch bền vững nhưng thật khó chuyển từ lý thuyết sang hành động. Tôi đã đến TP.HCM thập niên̉ 1980. Thời điểm đó không có nhiều ô tô, xe máy, không có tình trạng bấm còi inh ỏi như hiện nay… Chúng ta cần suy nghĩ về cuộc sống ngày xưa, chúng ta cần học hỏi từ lịch sử, điều này rất quan trọng. Điều tôi muốn nói, nếu muốn trở thành điểm đến được ưa thích thì chúng ta có thể bắt chước TP Copenhagen, ở đây 37% dân TP dùng xe đạp. Thử nhìn lại 30 năm trước, người dân Sài Gòn chỉ đi xe đạp nhưng bây giờ toàn đi xe máy, ô tô. Copenhagen ưu tiên di chuyển bằng xe đạp, đèn xanh được đồng bộ hóa với tốc độ của người đi xe đạp, 75% khách sạn ở Copenhagen đạt chứng nhận phát triển bền vững, 100% không gian họp trong TP được chứng nhận bền vững. Mục tiêu của TP này đến năm 2025 là không phát thải, mọi thứ đều không gây ra ô nhiễm môi trường chứ không riêng ngành du lịch.
Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu đưa ra hai bộ tiêu chí: Thứ nhất là tiêu chí đối với khách sạn và công ty du lịch, tiêu chí thứ hai là điểm đến du lịch. Hiện nay ở Việt Nam có bộ tiêu chí nhãn du lịch bền vững bông sen xanh, tập trung vào khách sạn. Có thể sử dụng chuẩn mực này cùng tiêu chí của Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu tạo ra quy trình cấp chứng nhận phát triển bền vững.
Du khách châu Âu tham quan chợ Bình Tây, TP.HCM. Ảnh: HTD
Mỗi người phải là đại sứ du lịch
Tôi có ba khuyến cáo cho ngành du lịch TP.HCM, đó là cần tập trung vào phát triển chất lượng du lịch. Ví dụ, TP.HCM năm vừa qua thu hút hơn năm triệu lượt khách quốc tế đến, 21,8 triệu khách nội địa, con số thì hay nhưng quan trọng xem tổng chi tiêu của du khách như thế nào, chúng ta được lợi nhuận hay không? Nhiều TP trong khu vực như Bangkok của Thái Lan cũng gặp thách thức vì du khách đến nhiều như Trung Quốc nhưng không thu tiền được bao nhiêu. Vì vậy, phải nhìn nhận đâu là mảng mang lại lợi nhuận chúng ta cần tập trung đầu tư.
Thứ hai là giáo dục cộng đồng về phát triển du lịch trách nhiệm là của mọi người. Không quan trọng chỉ có người đứng đầu mà là của tất cả, mọi người phải là đại sứ du lịch. Chính phủ cần tăng cường sự tham gia cộng đồng địa phương, ủy ban phải gắn kết cộng đồng địa phương, là đối tác để cùng nhau phát triển du lịch bền vững.
Ở Sài Gòn, khi ra phi trường tôi đã đón xe buýt, dù mất thời gian một chút nhưng điều này không phải để tiết kiệm mà đây là trách nhiệm phải bảo vệ môi trường.
Thứ ba là thiết kế thông minh, tôi thấy Bangkok có cam kết đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch rất tốt. Chẳng hạn như xe điện trên không, từ xe điện này bạn có thể đến bất kỳ nơi nào ở Bangkok. Người dân rất thân thiện và có thể sử dụng bất kỳ ngôn ngữ nào cùng với bản đồ chỉ dẫn rất rõ ràng. Mặt khác, các trung tâm mua sắm cạnh tranh với nhau không chỉ nhờ những cửa hàng đẹp mà nhờ có không gian xanh, có khu vườn xen kẽ, nhiều du khách dành thời gian đến khu vườn. Chắc chắn sau đó họ sẽ chi tiền mua sắm.
Bên cạnh đó, hiện nay nhiều TP cũng mắc sai lầm là sử dụng những chai nước uống một lần rồi quăng đi. Vì để sản xuất một chai nước phải tốn hai chai nước và 1/4 chai dầu hỏa. Đây là cách sử dụng tài nguyên không bền vững. Vấn đề này TP.HCM có thể học hỏi, rút kinh nghiệm.
Theo tôi biết, du lịch là ngành có lực lượng lao động đông thứ hai của TP, đóng 22% thuế thu nhập và mang lại lợi ích cho cộng đồng. Vì thế, hãy thể hiện lòng mến khách đối với du khách.
Các bạn hỏi chính cư dân địa phương chuẩn mực sống, khi họ có chuẩn mực sống chất lượng thì du khách cũng được chia sẻ điều đó. Khác biệt của du lịch TP.HCM đến từ lịch sử thì đừng để mất nó.