Tiếp tục đề xuất làm tuyến đường sắt trên cao xuyên tâm TP.HCM với hàng chục ga mới 29/07/2024 19:34 (PLO)- Tuyến đường sắt trên cao Bình Triệu - Sài Gòn - Tân Kiên đi xuyên tâm TP.HCM đã dần định hình cụ thể lộ trình.
Nam miền Bắc Nam miền Bắc
Nữ miền Bắc
Nữ miền Nam
Nam miền Nam
Liên danh Công ty CP Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam và Trung tâm Tư vấn - Đầu tư phát triển GTVT vừa có báo cáo cuối kỳ lập quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM. Trong đó đề xuất làm tuyến đường sắt trên cao Bình Triệu - Sài Gòn - Tân Kiên.
Theo báo cáo cuối kỳ (tháng 6) của liên danh tư vấn trên, TP.HCM cần bổ sung vào quy hoạch đoạn Bình Triệu – Sài Gòn – Tân Kiên. Trong đó có 2 đoạn từ ga Bình Triệu về ga Sài Gòn (Hòa Hưng) và đoạn ga Sài Gòn đi ga Tân Kiên (đoạn này đề xuất bổ sung mới). Cả 2 đoạn đều đi cao trên cầu cạn để tránh các giao cắt với đường giao thông hiện hữu. Tuyến bắt đầu từ ga Bình Triệu, tuyến đường sắt trên cao vượt sông Sài Gòn qua cầu đường sắt Bình Lợi hiện hữu, tuyến đi cao vào địa phận quận Bình Thạnh. Vào địa phận quận Bình Thạnh, tuyến đi cao, tim thiết kế trùng với tim đường sắt thống nhất hiện hữu. Tuyến có tổng chiều dài 1,86 km đi qua phường 11,13 quận này. Đồng thời xây dựng ga Bình Hòa (trong ảnh) với diện tích 2,56 ha. Vào địa phận quận Gò Vấp, tuyến đi cao theo hành lang với tuyến đường sắt Bắc – Nam, tuyến đường sắt trên cao qua các trục đường Phan Văn Trị, Phạm Văn Đồng vào ga Gò Vấp. Chiều dài tuyến qua địa phận quận Gò Vấp: 2,5km, dự kiến có 2 ga: Phan Văn Trị (1ha), ga Gò Vấp (4,63 ha). Mặt bằng bố trí ga Gò Vấp của đường sắt trên cao xuyên tâm TP.HCM Vào địa phận quận Phú Nhuận, tuyến tiếp tục đi cao theo hành lang tuyến đường sắt Thống Nhất Bắc- Nam, giao cắt với các trục đường Nguyễn Văn Trỗi, Huỳnh Văn Bánh, Nguyễn Trọng Tuyển, Lê Văn Sỹ. Chiều dài tuyến qua địa phận quận Phú Nhuận 2,8km. Dự kiến bố trí 2 trạm khách Nguyễn Kiệm (1,14 ha), Nguyễn Văn Trỗi (1 ha). Vào địa phận quận 3, tuyến vượt qua kênh Nhiêu Lộc về ga Sài Gòn/ Hòa Hưng. Chiều dài tuyến qua địa phận quận 3 là 0,8km. Theo quy hoạch trước đây, đoạn tuyến ga Bình Triệu - Sài Gòn (dài 8,6 km) được chuyển thành đường sắt đô thị , tuy nhiên để đảm bảo phương án tổ chức chạy tàu trong khu đầu mối TP.HCM, liên danh tư vấn đề xuất đoạn này là đường sắt quốc gia, đường đôi khổ 1.435mm. Ra khỏi ga Sài Gòn, liên danh tư vấn có nghiên cứu 2 phương án so sánh đánh giá : Phương án 1: Bán kính đường cong R=300m (tốc độ thông qua 60km/h); phương án 2: Bán kính đường cong R=400m (tốc độ thông qua khoảng 80km/h). Sau khi phân tích, đề xuất chọn phương án 1 với hướng tuyến: Ra khỏi ga Sài Gòn tuyến đi cao giữa đường Nguyễn Phúc Nguyên sau đó rẽ phải qua vòng xoay Dân Chủ vào địa phận quận 10. Hiện trạng lộ giới đường Nguyễn Phúc Nguyên khoảng từ 12m-14m, cần xem xét mở rộng lộ giới lên thành 22-25m để bố trí phạm vi công trình cầu cạn và phạm vi bảo vệ cầu cạn đường sắt. Vào địa phận quận 10, tuyến đi cao vượt đường CMT8 và tuyến metro Bến Thành – Tham Lương (tuyến số 2) để đi giữa đường 3 Tháng 2. Tuyến đi giữa đường 3 tháng 2, tuyến lần lượt giao cắt với các đường Lê Hồng Phong, Sư Vạn Hạnh, Thành Thái và đường Lý Thường Kiệt. Chiều dài đoạn tuyến đi qua địa phận quận 10: 2,9km. Tuyến đi giữa đường 3 tháng 2. Tuyến lồng ghép với vị trí cầu vượt thép khu vực nút giao đường Lý Thái Tổ, Thành Thái với đường 3 Tháng 2. Trong đó tuyến đường sắt dự kiến đi về bên phải cầu vượt thép, bố trí lại các làn xe cho phù hợp khi bố trí trụ cầu đường sắt. Mô hình dự kiến tại nút giao với cầu vượt thép và cả đường sắt trên cao. Mô hình ga trên cao của tuyến đường sắt này tại nhà hát Hòa Bình. Vào địa phận quận 11, tuyến đi cao dọc trục hành lang đường 3 Tháng 2 tuyến lần lượt giao cắt với các đường Lê Đại Hành, đường Tôn Thất Hiệp, đường Lò Siêu, đường Minh Phụng. Sau đó tuyến vượt qua Vòng xoay Cây Gõ, đi trên cao chung hành lang với tuyến metro số 3a đi ngầm trong hành lang đường Hồng Bàng, qua khu vực cầu Ông Buông đến hết địa phận quận 11. Chiều dài đoạn tuyến đi qua địa phận quận 11: 2,7km Các phương án lồng ghép đường sắt Sài Gòn (Hòa Hưng) – Tân Kiên khu vực cầu vượt thép nút giao Cây Gõ trên đường Hồng Bàng. Liên danh tư vấn chọn phương án đường sắt trên cao đi giữa cầu vượt thép. Khi đó tuyến metro số 3 đi 2 ống hầm song song hai bên trụ cầu và cầu vượt thép đoạn đi lồng ghép đường sắt cần phải điều chỉnh lại kết cấu đỡ mặt cầu. Vào địa phận quận 6, tuyến đi cao vượt qua rạch Tân Hóa khu vực cầu Ông Buông, sau đó đi cao trong hành lang đường Bà Hom. Tuyến tiếp tục đi cao rẽ hướng sang trái vượt qua đường Bà Hom, đường An Dương Vương vào địa phận quận Bình Tân; khu vực này tuyến cắt qua khu vực dân cư nằm giữa đường Bà Hom và đường An Dương Vương. Chiều dài đoạn tuyến đi qua địa phận quận 6: 1,56km.- Dự kiến bố trí 1 trạm khách Bà Hom ở phường 13, quận 6. Vào địa phận quận Bình Tân, tuyến đi cao trong hành lang đường số 7, lần lượt giao cắt với các trục đường Vành Đai Trong, đường Tên Lửa . Sau đó tuyến đi cao giữa kênh Lương Bèo, tuyến đi cao bên phải cầu vượt đường Trần Văn Giàu vượt Quốc lộ 1A. Chiều dài đoạn tuyến đi qua địa phận quận Bình Tân: 9,78km bao gồm 6,78km nhánh kết nối về ga Tân Kiên và 3km nhánh kết nối phía Bắc. Trên địa phận huyện Bình Chánh, tuyến kết nối vào trong phạm vi ga Tân Kiên thuộc tuyến đường sắt TP.Hồ Chí Minh – Cần Thơ. Chiều dài tuyến 16,6km bao gồm tuyến Sài Gòn (Hòa Hưng) – Tân Kiên dài 15,7km.