Tại buổi thảo luận tổ về chủ đề này sáng 27-10, Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Minh Chính tiếp tục nêu quan điểm mà ông đã phát biểu trước đây về nguồn vốn cho Dự án Cảng hàng không Long Thành.
Đại biểu Giàng A Chu: "Không phải cứ có tiền và chính sách là có thể giải phóng mặt bằng". Ảnh: CHÂN LUẬN
Dân không thuận thì nhiều tiền cũng khó
Trước đó, ĐB Giàng A Chu (Yên Bái) nói nếu lòng dân không thuận thì sẽ rất khó khăn. Bởi không phải cứ có tiền, có chính sách là có thể giải phóng được mặt bằng và làm yên lòng dân. Khi đó, theo ĐB Giàng A Chu, sẽ kéo theo khiếu kiện đông người, khiếu kiện vượt cấp. ĐB Giàng A Chu đề nghị phải quan tâm đến việc tuyên truyền, vận động người dân bị dự án này ảnh hưởng.
Lấy kinh nghiệm từ Yên Bái, ĐB Giàng A Chu kể: “Trước đây, ở Yên Bái, công trình thủy điện Thác Bà là rất quan trọng, là đứa con đầu lòng của ngành thủy điện. Hồi đó làm gì có bồi thường, chủ yếu là lòng dân thôi. Hồi đó chủ yếu là vận động bà con nhường đất cho dòng điện quốc gia”.
Đồng tình, ĐB Phạm Minh Chính (Quảng Ninh) đưa quan điểm: Trong dự án giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư sân bay Long Thành phải đảm bảo lợi ích tinh thần và vật chất cho người dân.
“Tôi đồng ý với anh Chu, nếu dân không thông thì chưa chắc nhiều tiền người ta đã đồng ý. Còn nếu người dân thấy đó là vì lợi ích chung thì dù có thiệt hơn một tí thì họ cũng đi vì lợi ích quốc gia. Phải có phương án thuyết phục nhân dân” - ĐB Phạm Minh Chính nói.
Vị Trưởng ban Tổ chức Trung ương cũng đề nghị phải quan tâm đến việc tổ chức lại cuộc sống của nhân dân, đồng thời khuyến khích người dân tự lựa chọn nơi định cư và Nhà nước hỗ trợ họ.
“Khuyến khích người dân tự lo chỗ để tái định cư thì thuận hơn là chủ trương. Tất nhiên là phải có quy hoạch để cho người dân lựa chọn. Nhưng không nhất thiết là quy hoạch thành khu nhất định” - ông Chính nói và nhấn mạnh việc phải quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, y tế, sinh hoạt của những khu tái định cư.
Thiếu 18.000 tỉ thì lấy ở đâu?
ĐB Phạm Minh Chính: "Tôi kiên trì phương án tiết kiệm để có nguồn vốn thực hiện dự án sân bay Long Thành". Ảnh: CHÂN LUẬN
Giải đáp vấn đề này, ĐB Phạm Minh Chính tiếp tục nhắc lại quan điểm của ông từ kỳ họp thứ 3 hồi tháng 6-2017: “Phải tiết kiệm!”.
Theo ĐB Phạm Minh Chính, hiện Chính phủ mới bố trí được 5.000 tỉ đồng, còn thiếu từ 13.000 đến 18.000 tỉ đồng cho dự án này. Ông nhắc kinh nghiệm hồi năm 2007 khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, Nhà nước đã tiết kiệm tới 10% chi thường xuyên.
Hiện nay, chi thường xuyên đã lên tới 65%, trong đó chủ yếu là chi lương và phụ cấp tới 52,8%, còn lại là chi hành chính. “Chỉ cần tiết kiệm 1% có 10.000 tỉ. Một số tỉnh vừa rồi như Hà Nội chẳng hạn, tiết kiệm được 4.000-5.000 tỉ. Tôi đề nghị phải có chính sách tiết kiệm, mà dư địa tiết kiệm là được. Chỉ cần tiết kiệm 2% là đủ để thực hiện dự án này” - ĐB Phạm Minh Chính nói.
“Tôi tha thiết đề nghị Chủ tịch Quốc hội cho nghiên cứu vấn đề này. Chứ ở nhiều địa phương, làm đường sá, sửa chữa… rất lãng phí. Chúng ta phân bổ ra mỗi địa phương, bộ ngành tiết kiệm một chút là “góp gió thành bão” - ĐB Phạm Minh Chính nói.
“5 năm tiết kiệm mỗi năm 1% là được 50.000 tỉ. Nếu dư thì chúng ta đưa vào dự án cao tốc Bắc - Nam. Tiết kiệm 1% là có thể làm được” - ĐB Phạm Minh Chính khẳng định.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý việc giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư cho sân bay Long Thành không được đẩy người dân vào cảnh bần cùng, cơ cực. Ảnh: CHÂN LUẬN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng ý và cho rằng chi tiêu hiện nay vẫn còn lãng phí nhiều và chỉ cần tiết kiệm chi phí cho những cuộc họp, lễ hội, đi lại… là có thể có vốn cho các dự án, không chỉ là dự án giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lưu ý rằng: "Thực hiện dự án này nhưng không được làm cho cuộc sống của người dân lâm vào bần cùng, cơ cực".