Tiểu đoàn 307 với những chiến công oai hùng 75 năm trước

(PLO)- Hào khí chiến thắng trận Mộc Hóa (18-8-1948) vẫn còn vang vọng như bản anh hùng ca của “Nam bộ thành đồng, đi trước về sau”.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 18-8, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Long An tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm chiến thắng trận Mộc Hóa (1948 - 2023).

Lãnh đạo UBND tỉnh Long An thăm hỏi sức khỏe các lão thành cách mạng. Ảnh: HD

Lãnh đạo UBND tỉnh Long An thăm hỏi sức khỏe các lão thành cách mạng. Ảnh: HD

Tại buổi lễ, các đại biểu cùng nhau ôn lại truyền thống hào hùng chiến thắng trận Mộc Hóa.

Cách đây tròn 75 năm, vào đầu tháng 7 năm 1946, thực dân Pháp bắt đầu đánh chiếm Mộc Hóa và Đồng Tháp Mười. Pháp xây đồn Mộc Hóa kiên cố trên đỉnh gò Bắc Chiêng (nay thuộc Phường 1, thị xã Kiến Tường), bố trí 70 lính cùng nhiều vũ khí.

Từ đầu năm 1948, quân địch đã mở các cuộc tiến công với quy mô lớn vào căn cứ của ta, đặc biệt là vùng Đồng Tháp Mười.

Trước tình hình đó, tháng 8-1948, Bộ Tư lệnh Khu 8 chủ trương tổ chức tấn công đồn Mộc Hóa nhằm giải phóng huyện Mộc Hóa, mở rộng vùng căn cứ Đồng Tháp Mười, mở thông hành lang vận chuyển của ta, tổ chức trận đánh ra mắt nhằm xây dựng truyền thống cho Tiểu đoàn 307 vừa mới được thành lập.

Bắt sống đồn trưởng Louis Bertrand trong trận Mộc Hóa năm 1948. Ảnh tư liệu

Bắt sống đồn trưởng Louis Bertrand trong trận Mộc Hóa năm 1948. Ảnh tư liệu

Dưới sự lãnh đạo của Bộ Tư lệnh Khu 8 và Huyện ủy Mộc Hóa, đêm 16 rạng ngày 17-8-1948, áp dụng chiến thuật “công đồn đả viện”, một đại đội thuộc Trung đoàn 120, trung đội du kích tập trung của huyện Mộc Hóa vây ép tấn công đồn Mộc Hóa nhằm mục đích kéo viện binh địch từ tỉnh lỵ Tân An và huyện Thủ Thừa lên.

Tiểu đoàn 307 cùng hai đại đội còn lại của Trung đoàn 120 và du kích các xã xung quanh quận lỵ Mộc Hóa bố trí trận địa phục kích dọc đường dự kiến tiếp viện của địch đi qua cả trên bộ và dưới sông. Do lực lượng địch mạnh hơn, lại dựa vào công sự phòng thủ kiên cố, ta chỉ gây sát thương cho địch mà không chiếm được đồn. Một lực lượng khác tổ chức đánh địch ngoài công sự, chặn bắt lực lượng từ đồn chạy về hướng biên giới.

Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Nguyễn Văn Út đến thắp hương tại Bia chiến thắng trận Mộc Hóa. Ảnh: HD

Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Nguyễn Văn Út đến thắp hương tại Bia chiến thắng trận Mộc Hóa. Ảnh: HD

Sáng ngày 18-8-1948, một tiểu đoàn địch từ lộ 1 hành quân bằng xe cơ giới lên theo lộ Kông Pông Rồ xuống biên giới Campuchia – Việt Nam.

Đến 15 giờ chiều ngày 18-8-1948, đội hình của địch lọt vào trận địa phục kích. Tiếng súng đồng loạt nổ, chia cắt tiêu diệt quân địch. Sau 15 phút chiến đấu, quân ta hoàn toàn làm chủ trận địa, truy đuổi quân địch đến tận biên giới.

Trận tấn công đồn Mộc Hóa, ta tiêu diệt 25 tên, làm bị thương 2 tên, bắt sống 6 tên, trong đó có chỉ huy đồn, trung úy Louis Bertrand. Tại mặt trận “đả viện”, ta đánh thiệt hại 1 tiểu đoàn địch, diệt hàng trăm tên, thu hơn 300 súng các loại, trong đó có 3 súng cối 60 li, một số đại liên và trung liên.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa phát biểu tại lễ kỷ niệm 75 năm Chiến thắng Mộc Hóa. Ảnh: HD

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa phát biểu tại lễ kỷ niệm 75 năm Chiến thắng Mộc Hóa. Ảnh: HD

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Tấn Hòa khẳng định, trận đánh Mộc Hoá là một trong những trận đánh lớn, tiêu biểu. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương, các lực lượng vũ trang tỉnh Tân An đã góp phần làm nên chiến thắng, có tác động mạnh mẽ đến phong trào kháng chiến ở Tân An trong năm 1948 và những năm tiếp theo.

Chiến thắng Mộc Hóa là niềm tự hào của Đảng bộ và quân dân Mộc Hóa, khẳng định sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Bộ Tư lệnh Khu 8 và Tỉnh uỷ Tân An. Đây cũng là thắng lợi chung về đường lối và phương châm du kích, về khả năng tác chiến chỉ huy chiến thuật đánh địch bằng lối đánh mới kết hợp giữa công đồn và đả viện. Chiến thắng trận Mộc Hóa đã đi vào lịch sử hào hùng của Long An thời kỳ 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, thể hiện sự tiếp nối và phát triển nghệ thuật quân sự của cha ông trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng thời, trận Mộc Hóa còn là chiến thắng của Tiểu đoàn 307, lập công ngay trong lần đầu tiên xuất quân, góp phần khai thông đường hành lang chiến lược từ miền Đông sang miền Tây, mở rộng và giữ vững căn cứ Đồng Tháp Mười.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Tấn Hòa cũng đề nghị đảng bộ, chính quyền và nhân dân vùng Đồng Tháp Mười nhất là thị xã Kiến Tường và huyện Mộc Hóa cần tiếp tục phát huy truyền thống trung dũng, kiên cường – Tháp Mười anh dũng quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu KT-XH mà Đảng bộ tỉnh đề ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm