Theo kết luận của Thanh tra TP.HCM, số thuốc nói trên có giá trị gần 14 tỉ đồng. Tuy nhiên, BS Phù Chí Dũng, Giám đốc BV Truyền máu Huyết học TP.HCM, khẳng định gần 20.000 viên thuốc Tasigna trị bệnh bạch cầu mạn dòng tủy (CML) bị lãng phí chỉ có giá trị tương đương 3,8 tỉ đồng.
Thuốc hết hạn do chờ thủ tục nhập
Ngày 3-5, giải thích với PV báo Pháp Luật TP.HCM, BS Phù Chí Dũng cho biết lượng thuốc buộc phải thiêu hủy vừa qua nằm trong chương trình viện trợ nhân đạo dành cho người mắc bệnh CML. Chương trình theo thỏa thuận tài trợ gồm ba bên là BV Truyền máu Huyết học TP, tổ chức The Max Foundation-Mỹ và Công ty Novartis Pharma Services AG - Thụy Sĩ.
Theo BS Dũng, đây là chương trình tài trợ có điều kiện với sự đồng chi trả của người bệnh. Tức khi nhận thuốc người bệnh phải chi trả 4% (tương đương 42 triệu đồng), phần còn lại phía Công ty Novartis tài trợ.
“Cũng do quy định đồng chi trả này (tên là chương trình Tasigna copay - PV), không cung cấp thuốc miễn phí 100% như đối với thuốc Glivec trước đây nên ban đầu BV dự kiến có khoảng 50 người bệnh đủ điều kiện để tham gia. Tuy nhiên, khi nhận được thuốc, đối chiếu hồ sơ chỉ có 26 bệnh nhân đủ điều kiện” - BS Dũng giải thích.
Ngoài ra, khi 34.608 viên thuốc được Công ty Novartis cung cấp về tới Việt Nam, do phụ thuộc vào thủ tục xin tiếp nhận thuốc của các cơ quan chức năng nên lúc BV tiếp nhận thì thuốc chỉ còn hạn 10 tháng.
Cụ thể, ngày 26-11-2013, BV nhận được bộ chứng từ để đi làm các thủ tục xin phép các cấp có thẩm quyền bao gồm: Sở Y tế, Liên hiệp Hữu nghị, UBND TP, Cục Quản lý dược, Sở Tài chính. Gần tám tháng sau, ngày 21-7-2014, BV nhận được văn bản đồng ý của Sở Tài chính và thông báo Công ty Novartis chuyển hàng về Việt Nam.
Ngày 27-7-2014, hàng về tới cảng Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, Chi cục Hải quan TP.HCM không đồng ý cho tiếp nhận thuốc do hạn dùng dưới 12 tháng (theo quy định hải quan không cho thuốc nhập khi còn dưới 12 tháng). Sau đó, BV lại tiếp tục gửi công văn trình lên Sở, rồi Bộ Y tế và Cục Hải quan. Qua rất nhiều thủ tục, đến ngày 13-8-2014 BV mới nhận được thuốc vào kho. Đến tháng 9-2014, chương trình mới chính thức được bắt đầu với 26 bệnh nhân.
Quá nhiều thủ tục phức tạp dẫn đến thời hạn sử dụng thuốc bị rút ngắn, thuốc không đến được người bệnh. Ảnh: Internet
“Mất 14 tỉ là không đúng”
Theo kết luận của Thanh tra TP.HCM, trong năm 2014 và 2015, BV Truyền máu Huyết học TP.HCM nhận viện trợ, tài trợ bằng thuốc Glivec 100 mg và thuốc Tasigna 200 mg. Đây là số thuốc được nhập về dưới hình thức viện trợ phi dự án cho bệnh nhân ung thư có thẻ BHYT, tổng cộng 828.272 viên, trị giá gần 809 tỉ đồng. Tuy nhiên, do quá trình lập thủ tục xin tiếp nhận lô thuốc viện trợ 34.608 viên Tasigna kéo dài nên dẫn đến BV còn tồn 19.997 viên không sử dụng hết phải hủy bỏ, gây lãng phí thuốc có giá trị lớn lên đến gần 14 tỉ đồng (theo đơn giá tháng 8-2015 là 700.037 đồng/viên).
Nhưng theo giải thích từ phía BV, tính theo giá của thời điểm năm 2015 và theo giá viện trợ, tổng giá trị lô thuốc này là 3.864.973.830 đồng (gần 4 tỉ đồng) chứ không phải tính theo trị giá thời điểm thanh tra là gần 14 tỉ đồng. Nguyên nhân là do BV sơ suất không kiểm tra kỹ bản dự thảo kết luận của Thanh tra TP trước khi có kết luận chính thức.
BV muốn mở rộng đối tượng, nhà cung cấp không cho
BS Dũng trình bày với số lượng người tham gia chương trình ít như vậy, BV dự trù chắc chắn không thể nào sử dụng kịp số thuốc vừa nhập trước thời hạn. Do đó BV đã tổ chức nhiều cuộc họp với người bệnh để giải thích về lợi ích của việc sử dụng Tasigna. Tuy nhiên, số tiền đồng chi trả đối với bệnh nhân đa phần từ tỉnh lên vẫn quá lớn. BV bèn đề nghị Công ty Novartis cho phép mở rộng chương trình đến các BV trong toàn quốc đang cùng điều trị bệnh lý CML bằng thuốc Glivec hoặc thông báo cho các nơi chuyển bệnh đến. Tuy nhiên, công ty không đồng ý chuyển số thuốc này đến đơn vị khác. Họ chỉ đồng ý hủy thuốc nếu không sử dụng hết, theo đúng quy định.
“Chúng tôi đã cố gắng hết sức trong việc tiếp nhận và sử dụng lô hàng Tasigna viện trợ. Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan mà chúng tôi không lường trước nên phải nhập lô hàng về kho với hạn dùng chỉ còn 10 tháng. Mặc dù phải hủy bỏ một số lượng thuốc ngoài ý muốn do các nguyên nhân khách quan nhưng chính nhờ nguồn thuốc quý này, chúng tôi đã cứu sống khoảng 26 người bệnh CML kháng Glivec. Nếu không có nguồn thuốc này, tính mạng của 26 người bệnh này sẽ rất nguy kịch” - BS Dũng nói.
Ông Dũng cũng cho biết thêm cũng nhờ có chương trình Tasigna copay khởi đầu với những tác dụng điều trị tích cực mà ngày 1-1-2015, Bộ Y tế đã phê duyệt chương trình thuốc viện trợ dành cho người bệnh có thẻ BHYT gọi là chương trình VPAP dành cho thuốc Tasigna (BHYT chi trả 40% cho bệnh nhân). Tính đến nay có khoảng 150 người bệnh được tham gia chương trình thuốc Tasigna, giúp người bệnh ung thư có cơ hội sống và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tiêu hủy thuốc do nằm ngoài danh mục BHYT Kết luận của Thanh tra Sở Y tế TP tại BV Ung bướu TP.HCM cũng cho thấy trong hai năm 2014-2015, BV nhận viện trợ hơn 337 tỉ đồng bằng tiền, thuốc và hiện vật của các đơn vị, tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên, việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng, thực hiện báo cáo về viện trợ còn chưa đúng quy định. Trong đó có việc bệnh nhân trả lại 613 viên thuốc Glivec (thuốc viện trợ) không sử dụng nhưng BV đem cấp cho bệnh nhân khác là không đúng theo thỏa thuận giữa BV và nhà tài trợ. Ngoài ra, BV chưa tích cực tìm hướng xử lý để 267 viên thuốc Nexavar (trị giá gần 287 triệu đồng) được viện trợ hết hạn sử dụng dẫn đến phải hủy bỏ, gây lãng phí viện trợ. Giải thích về kết luận này, bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, nguyên Trưởng khoa Dược, BV Ung bướu TP, cho biết việc tiêu hủy 267 viên thuốc Nexavar là do trước đó loại thuốc này có trong danh mục BHYT thanh toán 100%. Tức bệnh nhân thanh toán 20%, BHYT chi trả 80%. Tuy nhiên, đến đầu năm 2015, thuốc này không nằm trong danh mục BHYT nữa khiến lượng bệnh nhân sử dụng thuốc giảm hơn 2/3 so với trước... |
Chiều 3-5, ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, đã ký công văn hỏa tốc gửi Sở Y tế TP.HCM yêu cầu làm rõ việc tiêu hủy 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư Tasigna hết hạn sử dụng. Theo đó, ông Đông đề nghị Sở Y tế TP.HCM khẩn trương rà soát và có báo cáo bằng văn bản về Vụ Bảo hiểm y tế và Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) trước ngày 7-5-2017. HG |