Theo kết luận từ Thanh tra TP.HCM cho thấy năm 2014 và 2015, Bệnh viện (BV) Truyền máu Huyết học TP nhận viện trợ, tài trợ bằng thuốc Glivec 100 mg và thuốc Tasigna 200 mg theo chương trình viện trợ ba bên gồm Truyền máu và Huyết học TP, Tổ chức The Max Foundation-Mỹ, Công ty Novartis Pharma Services AG-Thụy Sĩ (trị bệnh bạch cầu mãn dòng tủy) cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế tổng cộng 828.272 viên, trị giá gần 809 tỉ đồng.
Tuy nhiên, BV này để tồn 19.997 viên không sử dụng hết phải hủy bỏ, gây lãng phí thuốc có giá trị lớn lên đến gần 14 tỉ đồng.
Chiều 3-5, trao đổi với báo chí, ông Phù Chí Dũng, Giám đốc BV Truyền máu Huyết học, giải thích lượng thuốc đặc trị ung thư BV buộc phải tiêu hủy vừa qua nằm trong chương trình Tasigna Copay vì mục đích nhân đạo. Đây cũng là chương trình đầu tiên tại Việt Nam cần có sự đồng chi trả của người bệnh, tức khi nhận thuốc từ công ty, người bệnh phải chi trả 4%, tức mỗi năm bệnh nhân đóng khoảng 42 triệu đồng. “Cũng từ nguyên nhân do quy định tham gia Tasigna Copay là chương trình đồng chi trả, không phải cung cấp thuốc miễn phí 100% như đối với thuốc Glivec trước nên ban đầu BV dự kiến chỉ có khoảng 50 người bệnh đủ điều kiện để tham gia chương trình Tasigna Copay. Tuy nhiên, khi nhận được thuốc, chỉ có 26 bệnh nhân được tham gia chương trình này” - BS Dũng giải thích.
Ngoài ra, 34.608 viên được Công ty Novartis cung cấp điều trị được đưa về Việt Nam trễ so với dự kiến, đến nơi thì hạn sử dụng chỉ còn dưới 10 tháng do phụ thuộc vào thủ tục xin tiếp nhận thuốc.
“Vì những lý do trên, BV đã dự đoán chắc chắn không thể nào sử dụng kịp số thuốc vừa nhập trước thời gian hết hạn. Do đó BV đã tổ chức nhiều cuộc họp với người bệnh, với Công ty Novanis để giải thích cho người bệnh lợi ích của việc sử dụng Tasigna. Tuy nhiên, số tiền đồng chi trả đối với bệnh nhân đa phần từ tỉnh lên vẫn còn quá lớn nên bệnh nhân không mặn mà.
Bên cạnh đó, BV cũng đã đề nghị Công ty Novaxtis cho phép mở rộng Chương trình đến các BV trong toàn quốc đang cùng điều trị bệnh lý CML bằng thuốc Glivec hoặc thông báo cho các nơi chuyển bệnh đến. Tuy nhiên, công ty không đồng ý...” - ông Dũng giải thích.
Ông Dũng cũng cho rằng kết luận thanh tra nói mất 14 tỉ đồng không đúng. Tính theo giá của thời điểm năm 2015 và theo giá viện trợ, tổng trị giá lô thuốc này là 3.864.973.830 đồng (gần 4 tỉ đồng) chứ không phải tính theo giá trị thời điểm thanh tra là gần 14 tỉ đồng. Nguyên nhân là do BV sơ suất, không kiểm tra kỹ bản dự thảo kết luận của Thanh tra TP gửi BV trước khi có kết luận chính thức.
"Chúng tôi đã gửi giải trình cho Thanh tra TP về con số nói trên và hiện chưa nhận được phản hồi".