Tại Hà Nội, lực lượng chức năng đã tiêu hủy 397 con heo tại huyện Ba Vì, Đan Phượng 35 con, Quốc Oai 354 con và 69 con ở huyện Thường Tín.
Cơ quan chức năng tiêm phòng cho đàn heo. Ảnh: M.HIỀN
Tại tỉnh Hòa Bình, tổng số heo mắc bệnh và tiêu hủy tại huyện Lương Sơn là 289 con, huyện Kim Bôi 135 con, TP Hòa Bình 92 con, huyện Tân Lạc 40 con.
Đối với ổ dịch tại phường Vân Dương (Bắc Ninh), theo báo cáo 17 ngày nay không phát sinh ổ dịch mới. Như vậy, kể từ khi phát hiện dịch lở mồm long móng đến nay, số heo chết và bị tiêu hủy vì dịch đã lên tới hơn 1.400 con.
Theo ông Nguyễn Tùng, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông, Cục Thú y, nguyên nhân khiến dịch lở mồm long móng phát sinh và lan rộng là do thời gian này thời tiết thay đổi, miền Bắc trời rét và độ ẩm cao; miền Trung và miền Nam mưa, lũ là điều kiện rất thuận lợi cho mầm bệnh phát triển.
Cũng theo ông Tùng, gần Tết nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ thịt gia súc sẽ tăng, tình hình chăn nuôi, giết mổ và mua bán động vật và sản phẩm động vật diễn ra với tần suất và khối lượng lớn. Ngoài ra, tại một số nơi, chính quyền và người chăn nuôi chủ quan với dịch bệnh trong khi việc chủ động phòng dịch quan trọng hơn rất nhiều đối với chống dịch. Khi dịch xuất hiện, chưa triển khai các biện pháp chống dịch theo quy định.
Ông Tùng cho biết thêm, để phòng ngừa lở mồm long móng, việc tiêm phòng vaccine lở mồm long móng là cách tốt nhất. Tuy nhiên, việc này mới được một số chủ hộ chăn nuôi tự túc tiêm phòng cho đàn heo nái và đực giống, heo thương phẩm hầu như không được tiêm phòng, do vậy miễn dịch quần thể đối với heo là rất thấp.