Thông tư 15/2014 của Bộ Công an (có hiệu lực từ đầu tháng 6-2014) yêu cầu xe máy điện và các loại xe có kết cấu tương tự phải đăng ký biển kiểm soát mới được phép lưu thông. Hôm qua (3-6), trả lời Pháp Luật TP.HCM, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67), Công an TP.HCM cũng khẳng định việc xử phạt xe máy điện được áp dụng theo Nghị định 171/2013. Theo đó, xe máy điện được liệt vào nhóm xe máy và việc xử phạt xe máy điện cũng tương tự như xe máy, tức người đi xe máy điện sẽ bị phạt các lỗi không đội mũ bảo hiểm, chạy quá tốc độ, vi phạm nồng độ cồn, đặc biệt là lỗi không có biển số, không có giấy đăng ký…
Phần lớn xe không thể đăng ký được
Tại Điều 17 Nghị định 171/2013, việc sử dụng xe máy điện không có biển số, sử dụng biển số giả hoặc không có giấy đăng ký sẽ bị phạt với mức như nhau (350.000 đồng). Ngoài ra, theo Điều 75 Nghị định 171/2013, chiếc xe máy điện sẽ bị tạm giữ và có nguy cơ bị tịch thu.
Nhiều xe máy điện đang lưu thông trên đường phố không không có đủ giấy tờ. Ảnh: HTD
“Cách đây hơn một tháng, tôi mua chiếc xe máy điện cho con gái chuẩn bị vào cấp III với giá trên 17 triệu đồng. Gần đây, tôi đã tìm đến cửa hàng bán xe trên đường An Dương Vương (quận 5, TP.HCM) đề nghị chủ cửa hàng bổ sung thêm chứng từ để làm thủ tục đăng ký xe. Tuy nhiên, yêu cầu này không được đáp ứng vì chiếc xe này được nhập từ Trung Quốc nhưng chỉ có hóa đơn bán hàng và phiếu bảo hành mà thôi” - bà Nguyễn Thị Hiền (phường Tân Quy, quận 7, TP.HCM) lo lắng.
Trong những ngày qua, số lượng người dân đến các đội CSGT các quận, huyện tìm hiểu quy trình thủ tục đăng ký khá nhiều. Nhưng hầu hết họ buồn bã ra về vì không đủ giấy tờ theo quy định. Theo PC67, người chưa có CMND vẫn được đăng ký để cấp biển số (hộ khẩu là chứng từ thay thế) nhưng xe phải đầy đủ chứng từ theo quy định. gồm có: chứng từ nguồn gốc xe, hóa đơn bán hàng, chứng từ lệ phí trước bạ… Tuy vậy, ghi nhận của chúng tôi ở nhiều đội CSGT quận, huyện, hầu hết người dân đều thiếu chứng từ xe nên không được giải quyết.
Lơi lỏng quản lý khiến người dân lúng túng
Hiện ở các thành phố lớn xuất hiện khá nhiều xe máy điện, đặc biệt kể từ thời điểm quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe máy và giá xăng liên tục tăng. Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng hai triệu chiếc xe đạp điện và xe máy điện mà tập trung nhiều nhất là ở TP.HCM và Hà Nội. Trong đó chiếm tỉ lệ lớn vẫn là xe có xuất xứ từ Trung Quốc, Đài Loan… với thủ tục nhập khẩu rất đơn giản.
Nói về quyết định mua xe máy điện, bà Hiền cho hay đây là lựa chọn của nhiều phụ huynh cho con đi học vì quy định sử dụng xe máy với học sinh khá khắt khe. Hơn nữa, chiếc xe máy điện lại gọn nhẹ, tốc độ không đến 50 km/giờ rất phù hợp với học sinh, phụ nữ và người lớn tuổi. Cũng như bà Hiền, nhiều người dân mà phóng viên gặp được cho biết họ mua xe máy điện đã lâu nhưng nghĩ đơn giản xe máy điện không đăng ký nên không yêu cầu cung cấp chứng từ và hóa đơn mua hàng thậm chí cũng đã thất lạc.
“Nếu xe nhập khẩu phải có giấy tờ hải quan, trường hợp xe sản xuất trong nước thì phải có phiếu kiểm tra xuất xưởng. Thật ra quy định về đăng ký xe máy điện đã có từ đầu tháng 7-2009 nhưng người dân không quan tâm trong khi CSGT lại xuề xòa, không kiểm tra, xử phạt lỗi không biển số, không đăng ký mà chủ yếu phạt lỗi không đội mũ bảo hiểm. Chính sự lơi lỏng trong quản lý làm người dân cho rằng xe này không phải đăng ký. Do vậy bây giờ “xốc” lại thì đa phần không đủ giấy tờ và chúng tôi không thể giải quyết. Cho nên những xe thiếu chứng từ trên có nguy cơ thành xe… cảnh nếu không muốn sử dụng bất hợp pháp” - lãnh đạo một đội CSGT ở khu vực trung tâm nhận xét.
MINH PHONG
Theo PC67, những xe máy điện đã sử dụng từ trước 1-7-2009 (thời điểm Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực lần đầu tiên quy định xe máy điện phải đăng ký - NV) mà không có chứng từ hoặc chứng từ không đảm bảo theo quy định thì vẫn có thể được giải quyết, cấp biển số xe. Tuy vậy, chủ xe phải làm cam kết có xác nhận của chính quyền địa phương. Những xe nhập khẩu mua sau thời điểm trên thì phải có hồ sơ nhập khẩu hợp lệ, giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn đã được công bố. Xe trong nước thì phải có phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng. Đây cũng là nhóm bị vướng nhiều nhất và từ thực tế này, một số cửa hàng đã tư vấn cho người tiêu dùng một số cách để “hóa thân” một số loại xe máy điện thành xe đạp điện hòng qua mặt CSGT. Trước thực tế này, PV Pháp Luật TP.HCM đã nêu nhiều thắc mắc, trong đó có sự lơi lỏng trong công tác quản lý (giải quyết đăng ký, kiểm tra xử phạt…) từ phía CSGT là một trong nhiều nguyên nhân quan trọng dẫn đến những trở ngại, gây lo lắng cho người dân. Tuy vậy, lãnh đạo PC67 đã không trả lời, thậm chí ngay cả về những đề xuất giải tỏa lo lắng cho người dân, PC67 vẫn không trả lời. |