Nỗ lực tìm kiếm độc lập của cộng đồng người Kurd ở Iraq ngày 29-10 thêm diễn biến buồn. Ông Masoud Barzani, lãnh đạo Chính quyền Khu vực người Kurd (KRG) thông báo từ chức, sau hơn một tháng KRG tổ chức cuộc trưng cầu dân ý độc lập dẫn đến khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở khu vực.
Từ chức sau thất bại
“Họ sử dụng cuộc trưng cầu như một cái cớ. Ý định xấu của họ đã lộ rất rõ ràng từ rất lâu” – ông Barzani phát biểu trên truyền hình. Đây là lần phát biểu trên truyền hình đầu tiên của ông Barzani kể từ cuộc trưng cầu độc lập ngày 25-9. “Không có lực lượng Pesmerga - lực lượng dân quân người Kurd, quân đội Iraq sẽ không bao giờ giải phóng được TP Mosul. Chúng tôi nghĩ cộng đồng quốc tế sẽ ghi nhận Peshmerga và người Kurd. Họ sẽ tôn trọng máu đã đổ của các chiến binh” – theo ông Barzani.
Ông Barzani 71 tuổi thông báo tới nghị viện người Kurd Iraq rằng ông sẽ không tìm kiếm một nhiệm kỳ mới, sau khi nhiệm kỳ hiện tại kết thúc vào ngày 1-11 tới, và đã được nghị viện chấp nhận. Theo ông Hemin Hawrami, trợ lý cấp cao của ông Barzani, dù không nắm vai trò lãnh đạo sau ngày 1-11 nhưng ông Barzani sẽ dẫn đầu Hội đồng Chính trị Cấp cao khu tự trị người Kurd, được thành lập sau cuộc trưng cầu độc lập.
Cuộc bầu cử lãnh đạo mới KRG dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 đã bị hoãn chưa xác định. Ông Hawrami cho biết hiện chưa có đảng phái chính trị nào nộp đơn ứng cử. Chưa có thông tin về người sẽ tạm thời thay thế ông Barzani đến khi bầu cử mới. Theo một số nhà quan sát ở khu tự trị người Kurd, có thể vị trí này sẽ thuộc về ông Nechirvan Barzani, cháu trai ông Barzani và hiện đang nắm vị trí như thủ tướng KRG.
Trong lúc ông Barzani thông báo từ chức trên truyền hình, trước trụ sở nghị viện người Kurd Iraq ở tỉnh Irbil xảy ra xung đột lớn. Phóng viên AP chứng kiến có hàng chục người tấn công trụ sở, các nghị viên, và các nhà báo.
Người Kurd can thiệp cuộc họp báo của một nghị viên tự do ở nghị viện người Kurd Iraq ở Irbil ngày 29-10. Ảnh: AFP
Cái giá đắt cho mong muốn độc lập
3 tỉnh thuộc khu tự trị người Kurd trưng cầu độc lập vào ngày 25-9 với mong muốn thương lượng với chính phủ trung ương Iraq và các nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iran để độc lập. Tuy nhiên mong muốn không thành, KRG đã gặp phản ứng dữ dội không những từ chính phủ Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Syria mà cả Mỹ, LHQ...
Chỉ trong chưa tới một tháng, KRG đã phải trả giá rất đắt cho mong muốn độc lập. Các nước láng giềng ngay lập tức ra tay phong tỏa kinh tế, đóng cửa không phận, đe dọa về quân sự.
Ngoài 3 tỉnh thuộc khu tự trị, KRG còn kiểm soát 3 tỉnh xung quanh, sau khi đưa lực lượng Peshmega đến đánh đuổi IS. Sau khi KRG lộ rõ ý muốn độc lập, chính phủ Iraq đã triển khai quân đánh chiếm lại 3 tỉnh này, xem như KRG mất gần nửa lãnh thổ, trong đó mất cả TP giàu dầu mỏ Kirkuk, nơi được xem như “thánh địa Jerusalem của người Kurd”.
“Chẳng có lợi lộc gì từ cuộc trưng cầu? Tôi có thể nói gì? Ông Masoud Barzani tổ chức cuộc trưng cầu cho sự tự hào của chính mình. Nó sẽ giúp ông ta duy trì quyền lực. Có thể còn gì khác nữa chứ?” – một cư dân Irbil bất mãn.
Ông Barzari nắm quyền lãnh đạo đảng Dân chủ người Kurd (KDP) từ năm 1979 sau khi cha mình là ông Mulla Mustafa Barzani - một biểu tượng chỉ huy du kích và người sáng lập đảng – qua đời. Ông Barzani trở thành lãnh đạo KRG từ năm 2005, 2 năm sau khi Mỹ đưa quân vào Iraq lật đổ Tổng thống Saddam Hussein.
Lãnh đạo KRG Massoud Barzani nói sẽ không theo đuổi nhiệm kỳ mới khi nhiệm kỳ hiện tại kết thúc vào ngày 1-11 tới. Ảnh: RUDAW
Thời điểm đó KRG vẫn tham gia soạn thảo hiến pháp Iraq, tuy nhiên quan hệ giữa KRG và chính phủ trung ương Iraq nhanh chóng xấu đi vào đầu năm 2014, khi ông Nouri al-Maliki lên làm Thủ tướng Iraq.
Ông Maliki phong tỏa các khoản chi bằng ngân sách liên bang cho KRG sau khi KRG đơn phương xuất khẩu dầu qua Thổ Nhĩ Kỳ, kinh tế KRG rơi vào khó khăn. Các lãnh đạo người Kurd nói họ đơn phương xuất khẩu dầu vì ông Maliki chỉ trả lại cho KRG một phần nhỏ lợi nhuận từ dầu.
Đến thời Thủ tướng Iraq hiện tại Haider al-Abadi, quan hệ có phần khá hơn. Có thể thấy rõ qua việc KRG chịu triển khai lực lượng dân quân Peshmega hợp tác cùng quân đội Iraq đánh đuổi IS.
Tuy nhiên khi ông Barzani lộ rõ ý định trưng cầu độc lập, ông al-Abadi với sự ủng hộ của các đồng minh khu vực và phương Tây đã ngay lập tức cứng rắn lại.