Tìm lời giải cho quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ

Tìm lời giải cho quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ

(PLO)- Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ chưa có tiền lệ, là lời giải cho bài toán dàn trải nguồn lực đầu tư.

Sáng 11-10, tại TP Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị điều phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ nhằm lấy ý kiến cho bản quy hoạch vùng này.

Tránh đầu tư dàn trải

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, nói đến quy hoạch là nói đến những vấn đề ưu tiên, thuộc về từng địa phương, từng lĩnh vực nhưng nhìn trên điều kiện toàn vùng nhằm tạo ra động lực lan tỏa, kết nối.

“Thay bằng việc ưu tiên cho từng địa phương thì giờ lựa chọn công trình liên địa phương. Nếu xác định được những vấn đề lớn như vậy thì chúng ta sẽ giải quyết được bài toán nguồn lực hạn chế đầu tư dàn trải”, Phó Thủ tướng nói.

quy hoạch đầu tư nguồn lực tiền lệ
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị điều phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ. Ảnh: TẤN VIỆT

Dự thảo quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ do tư vấn trình bày cho hay, quan điểm là xây dựng Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới.

Xây dựng TP Vinh thành trung tâm vùng Bắc Trung Bộ. Phát triển Đà Nẵng thành trung tâm Vùng. Phát triển hai tỉnh Khánh Hòa và Thừa Thiên Huế thành TP trực thuộc Trung ương.

Đưa ra nhiều kịch bản để lựa chọn, nhưng phía tư vấn đề xuất chọn kịch bản phát triển theo hướng phát huy lợi thế cạnh tranh của các địa phương gắn với việc hình thành ba tiểu vùng.

Mục tiêu đến năm 2030, xây dựng vùng trở thành vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển. Vùng có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Vùng cũng có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn của cả nước với các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực.

Đây là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên và nước bạn Lào, là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử và hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao. Quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển đảo được bảo đảm vững chắc. Các tổ chức đảng, hệ thống chính trị vững mạnh.

“Chúng ta chưa từng làm quy hoạch tổng thể quốc gia, chưa từng làm quy hoạch vùng. Đây đều là những bản quy hoạch chưa từng có tiền lệ và rất khó làm”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng.

Về nguồn lực tài chính, tư vấn cho hay, Trung ương hỗ trợ xây dựng khuôn khổ pháp lý và công cụ tài chính giúp các địa phương tăng khả năng ứng phó, chia sẻ rủi ro ở mọi cấp độ.

Địa phương có vai trò quan trọng trong việc huy động và phân bổ nguồn lực. Trên nền tảng đầu tư công vẫn đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp hàng hóa công cộng, tăng cường huy động đầu tư tư nhân vào vùng. Biến đầu tư tư nhân thành yếu tố đột phá cho phát triển vùng trong tương lai.

110 bản quy hoạch

quy hoạch đầu tư nguồn lực tiền lệ
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: TẤN VIỆT

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay, có đến 110 bản quy hoạch đã và đang được thực hiện.

Trong đó có 38 quy hoạch ngành quốc gia, một quy hoạch tổng thể quốc gia, sáu quy hoạch vùng, 63 quy hoạch tỉnh. Việc lập các quy hoạch đã được triển khai tích cực nhưng chậm mất một năm so với yêu cầu từ Nghị quyết của Quốc hội.

Hạn chót Quốc hội cho phép đến 31-12-2023 phải hoàn thành tất cả các quy hoạch để làm tiền đề chuẩn bị cho kế hoạch năm năm tới cũng như sự phát triển của cả nước, các vùng, các ngành và các địa phương.

Hiện, 86/110 quy hoạch đã được thẩm định. Trong đó 16 quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt. Trong sáu quy hoạch vùng thì vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã làm xong năm 2022 và Thủ tướng đã phê duyệt.

"Rất lo lắng, rủi ro rất cao"

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho hay, ba năm qua, các địa phương trên cả nước mất rất nhiều thời gian cho quy hoạch.

“Không có quy hoạch thì chẳng làm được gì. Nếu làm sẽ vi phạm vì nhiệm kỳ này chuyển giao thời kỳ quy hoạch cũ đã hết hiệu lực, khi làm rất lo lắng, rủi ro rất cao. Đọc vào dự thảo quy hoạch vùng chẳng thấy Quảng Ngãi ở đâu, cập nhật không đầy đủ thì làm sao quy hoạch có chất lượng”, ông Minh thẳng thắn nói.

Theo ông Minh, quy hoạch tổng thể quốc gia phải có trước, sau đó mới tới quy hoạch vùng rồi đến quy hoạch tỉnh. Nhưng Trung ương chỉ đạo các địa phương làm quy hoạch tỉnh trước và đang làm.

quy hoạch đầu tư nguồn lực tiền lệ
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh. Ảnh: TẤN VIỆT

Nếu quy hoạch vùng lần này thông qua mà có sự khác biệt với quy hoạch tỉnh thì các địa phương phải làm lại. Do đó cần cập nhật các quy hoạch tỉnh vào quy hoạch vùng cho thống nhất.

Ông Minh đề nghị tư vấn cập nhật các quy hoạch vào dự thảo như cao tốc Quảng Ngãi – KonTum, trung tâm lọc hóa dầu, trung tâm sản xuất chế biến sắt thép ở Quảng Ngãi.

Trả lời kiến nghị của Chủ tịch Quảng Ngãi, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết đây là những vấn đề thuộc quy hoạch ngành. Trong quy hoạch vùng không đề cập chi tiết những cái thuộc quy hoạch ngành. Quy hoạch ngành quốc gia vẫn tồn tại độc lập, thực hiện bình thường. Tất cả các quy hoạch ngành vẫn giữ nguyên không có gì thay đổi.

quy hoạch đầu tư nguồn lực tiền lệ
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh. Ảnh: TẤN VIỆT

Đến lượt phát biểu của mình, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho rằng, ông đồng quan điểm với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi. Nếu làm tốt quy hoạch vùng lần này sẽ phục vụ cho sự phát triển của các địa phương. Nhưng quy hoạch vùng làm không tốt, vội vàng, không có cơ sở khoa học sẽ kìm hãm sự phát triển.

Ông Thanh phân tích, dự thảo chưa nêu bật được những đột phá cần tập trung nguồn lực để phát triển nhanh mà chỉ mang tính liệt kê, chỉ mới nêu ngành nào là lợi thế.

“Ví dụ như Quảng Nam, việc hình thành khu liên hợp công nghệ ô tô, phụ trợ cơ khí đa dụng tại Chu Lai đã rất rõ và hiện đang có chiều hướng phát triển rất tốt. Nhưng làm sao để lan tỏa ra cả khu vực, tạo kết nối cộng đồng doanh nghiệp cả khu vực để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thì chưa đề cập đến”, ông Thanh cho hay.

Hay như sân bay Chu Lai hoàn toàn khác so với các sân bay còn lại. Nơi đây đã được Thủ tướng xác định là trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế, trung tâm về logistics hàng không, trung tâm sửa chữa bảo dưỡng máy bay hạng nặng. Cả nước chưa có trung tâm nào như vậy và Chu Lai hoàn toàn đáp ứng được.

Theo ông Thanh, bản quy hoạch cần xác định vùng động lực, trung tâm về du lịch định hướng xây dựng thành một thương hiệu quốc tế.

Ngoài ra, danh mục ưu tiên đầu tư chưa làm rõ được nguồn lực đầu tư, tư vấn nêu ra nhiều vấn đề hay ho nhưng nguồn lực ở đâu thực hiện mới là then chốt.

“Phải ưu tiên thu hút nguồn lực bên ngoài, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Hơn nữa cần cơ chế đặc biệt để hình thành trung tâm hàng không Chu Lai hay trung tâm du lịch quốc tế Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam”, ông Thanh nhấn mạnh.

Bất ngờ với đề xuất Quảng Nam thành “Trung tâm xử lý chất thải rắn cấp quốc gia”

Dự thảo quy hoạch nêu: Xây dựng Trung tâm xử lý chất thải rắn cấp quốc gia tại Quảng Nam. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh tỏ ra vô cùng bất ngờ với đề xuất này. Ông Thanh phải thốt lên vì tỉnh chưa hề được đơn vị tư vấn trao đổi về việc này.

Theo ông Thanh, Quảng Nam đã xử lý rất nhiều sự cố liên quan chất thải rắn. Ông đề nghị đã là xử lý chất thải rắn thì nên phân tán, không nên hình thành một trung tâm xử lý chất thải rắn quốc gia ở tại một địa phương cụ thể.

Mỗi tỉnh nên chủ động xây dựng một khu xử lý chất thải rắn tập trung với quy mô công suất phù hợp với từng giai đoạn phát triển, với công nghệ phù hợp cho địa phương đó.

Bởi làm một trung tâm tập trung quy mô lớn thì khi sự cố xảy ra, hàng loạt địa phương bị ảnh hưởng. Việc tập trung tại một tỉnh là không nên.

Đọc thêm