Bộ trưởng KH&ĐT: Quy hoạch vùng mang lại '4 mới' cho ĐBSCL

(PLO)- Bốn mới đó chính là: “Tư duy mới - tầm nhìn mới - cơ hội mới - giá trị mới”, đây là tiền đề để vùng ĐBSCL phát triển trong tương lai.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm nay (21-6), tại TP Cần Thơ, Bộ KH&ĐT tổ chức hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030. Trước thềm sự kiện này, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, cho biết quy hoạch vùng lần này là cơ hội để ĐBSCL đổi mới từ tư duy đến giá trị, đó là “Tư duy mới - tầm nhìn mới - cơ hội mới - giá trị mới”.

TP Cần Thơ sẽ trở thành trung tâm du lịch quốc tế, là cửa ngõ đón khách của toàn vùng. Ảnh: CHÂU ANH

TP Cần Thơ sẽ trở thành trung tâm du lịch quốc tế, là cửa ngõ đón khách của toàn vùng. Ảnh: CHÂU ANH

Theo người đứng đầu Bộ KH&ĐT, “tư duy mới” chính là chủ động kiến tạo, phát triển vùng theo hướng bền vững, hài hòa, dựa trên ba trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường. Đổi mới, cải cách mạnh mẽ, chuyển đổi nhanh mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang phát triển theo hướng tập trung. Hình thành một số vùng động lực, các hành lang kinh tế, các chuỗi đô thị, nhất là đô thị vùng sông nước.

Vấn đề thứ hai là “tầm nhìn mới”, đó chính là phát triển ĐBSCL nhanh và bền vững, hiện đại, sinh thái, văn minh, mang đậm đà bản sắc văn hóa. Trong đó, mục tiêu đến năm 2050 ĐBSCL sẽ trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, là nơi đáng sống đối với người dân, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư.

Về “cơ hội mới”, bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết trong thời gian tới ĐBSCL sẽ được tập trung đầu tư trở thành thương hiệu quốc tế về du lịch nông nghiệp - nông thôn, du lịch sinh thái (miệt vườn sông nước, đất ngập nước) và du lịch biển trên cơ sở phát triển sản phẩm, xúc tiến chung cho thương hiệu. Trong đó, phát triển TP Cần Thơ và TP Phú Quốc (Kiên Giang) trở thành hai trung tâm du lịch quốc tế, là cửa ngõ đón khách của toàn vùng.

Cạnh đó, phát triển thế mạnh của vùng là nông nghiệp với các sản phẩm chiến lược theo ba trọng tâm, đó là thủy sản, trái cây và lúa gạo theo hướng tăng tỉ trọng thủy sản, trái cây và giảm tỉ trọng lúa gạo. Mặt khác, phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với thương mại, dịch vụ logistics, du lịch sinh thái, công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

“Tư duy mới” chính là chủ động kiến tạo, phát triển vùng theo hướng bền vững, hài hòa, dựa trên ba trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường.

Đồng thời, phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, với công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, gắn với kinh tế biển, kiểm soát tài nguyên biển, phục hồi hệ sinh thái biển.

Song song đó, tập trung triển khai tuyến đường bộ ven biển trở thành hành lang kinh tế thực thụ để đóng góp cho tăng trưởng và phát triển bền vững kinh tế vùng, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tuyến đường ven biển sẽ giúp sắp xếp lại dân cư vùng ven biển, mở ra không gian hướng biển, không gian phát triển kinh tế biển.

Cũng theo bộ trưởng Bộ KH&ĐT, thực hiện quy hoạch sẽ tạo ra “giá trị mới” cho vùng ĐBSCL, đó chính là từ chỗ phát triển dưới tiềm năng thành nơi đáng sống, năng động, thịnh vượng. Cụ thể, đến năm 2030 quy mô nền kinh tế sẽ phát triển lớn hơn 2-2,5 lần so với hiện nay. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được xây dựng đồng bộ, hiện đại, phân bổ hợp lý và thích ứng với biến đổi khí hậu. Môi trường sống được tạo dựng bền vững, chất lượng sống của người dân được nâng lên gắn liền với bảo tồn tài nguyên và hệ sinh thái.•

3 nội dung chính của hội nghị

Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 do Chính phủ chủ trì với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo TP.HCM cùng lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL, các nhà đầu tư, doanh nghiệp...

Hội nghị sẽ có nội dung chính như: Công bố Quy hoạch vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; định hướng triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; công bố cam kết tài trợ của nhóm sáu ngân hàng phát triển, thống nhất danh mục dự án phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025 sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi các nhà tài trợ nước ngoài với mức vốn cam kết vào khoảng 2,2 tỉ USD…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm