5 mục tiêu quan trọng của lập quy hoạch vùng Đông Nam bộ

(PLO)- Cụ thể hóa phương hướng không gian phát triển, đề xuất định hướng đột phá chiến lược, phát triển có trọng tâm việc xây dựng hệ thống đô thị ven biển… là các mục tiêu quan trọng của nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Đông Nam bộ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định 463/2022 phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với phạm vi quy hoạch gồm sáu tỉnh, TP.

Mục tiêu quan trọng của quy hoạch

Cụ thể, quyết định nêu rõ phạm vi ranh giới quy hoạch (phạm vi ranh giới hành chính) sẽ bao gồm toàn bộ lãnh thổ đất liền, các đảo, quần đảo, lòng đất, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc địa phận sáu tỉnh, TP. Theo đó, sáu tỉnh, TP trực thuộc trung ương này là TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh. Đồng thời, quyết định cũng nêu ra năm mục tiêu quan trọng trong việc lập nhiệm vụ quy hoạch.

Mục tiêu thứ nhất là công cụ quản lý của nhà nước trong việc điều hành phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) nhằm huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn lực để hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển.

Thứ hai là cụ thể hóa phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp KT-XH đối với vùng Đông Nam bộ được đề ra trong Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm giai đoạn 2021-2030. Chiến lược 10 năm nêu rõ đây là vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.

Tập trung phát triển mạnh khoa học, công nghệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đi đầu trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng kinh tế số, xã hội số, sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, công nghiệp chế biến, chế tạo; tài chính ngân hàng, bất động sản.

Nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Đông Nam bộ có nội dung về việc phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường gắn với tổ chức không gian phát triển vùng. Ảnh minh họa: KIÊN CƯỜNG

Nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Đông Nam bộ có nội dung về việc phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường gắn với tổ chức không gian phát triển vùng.
Ảnh minh họa: KIÊN CƯỜNG

Bên cạnh đó là nâng cao khả năng kết nối hạ tầng vùng, tạo động lực liên kết, lan tỏa thúc đẩy hợp tác và phát triển với ĐBSCL qua các hành lang N1, N2, cao tốc Bắc - Nam, quốc lộ 50; với Tây Nguyên qua cao tốc TP.HCM - Đà Lạt; với Nam Trung Bộ qua cao tốc Bắc - Nam và quốc lộ 55. Đồng thời phát triển chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài - TP.HCM - cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế xuyên Á.

Thúc đẩy phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Tập trung phát triển cảng biển container Cái Mép - Thị Vải thực sự trở thành cảng trung chuyển quốc tế. Nghiên cứu xây dựng TP sân bay cửa ngõ quốc tế Long Thành.

Mục tiêu thứ ba là cụ thể hóa phương hướng tổ chức không gian phát triển các ngành, lĩnh vực trên phạm vi lãnh thổ của vùng Đông Nam bộ được đề ra trong các quy hoạch cấp quốc gia…

Thứ tư là đề xuất các định hướng, nhiệm vụ và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện các đột phá chiến lược nhằm phát huy tối đa lợi thế so sánh về vị trí địa kinh tế của vùng, hội nhập quốc tế sâu rộng, tạo môi trường và động lực để các địa phương trong vùng phát triển theo định hướng phát triển của quốc gia.

Mục tiêu cuối cùng là phát triển có trọng tâm, trọng điểm việc xây dựng hệ thống đô thị ven biển của vùng trở thành các trung tâm kinh tế trên địa bàn vùng, là các hạt nhân lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế của cả vùng và các vùng lân cận.

Xây dựng và lựa chọn kịch bản phát triển

Nội dung chính của quy hoạch vùng Đông Nam bộ cũng được nêu ra với nhiều điểm đáng chú ý như phân tích, đánh giá thực trạng các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực đặc thù của vùng; đánh giá tổng hợp điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức; các vấn đề trọng tâm cần giải quyết trong quy hoạch vùng.

“Dự báo triển vọng và nhu cầu phát triển vùng, các mặt KT-XH và môi trường, tổ chức không gian lãnh thổ; xây dựng và lựa chọn kịch bản phát triển” - quyết định nêu rõ.

Đồng thời với đó là việc xác định quan điểm như quan điểm về phát triển vùng; quan điểm về tổ chức không gian phát triển các hoạt động KT-XH, quốc phòng, an ninh, phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên lãnh thổ vùng trong thời kỳ quy hoạch.

Xây dựng mục tiêu tổng quát phát triển vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về KT-XH, quốc phòng, an ninh, phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường gắn với tổ chức không gian phát triển vùng cho thời kỳ đến năm 2030 và cho từng giai đoạn năm năm.

Bên cạnh đó là việc xây dựng phương hướng phát triển ngành có lợi thế của vùng, xây dựng phương hướng phát triển kết cấu hạ tầng vùng, xây dựng tiêu chí xác định dự án ưu tiên đầu tư; luận chứng danh mục dự án quan trọng của vùng, thứ tự ưu tiên và phân kỳ thực hiện các dự án... Xác định các giải pháp và dự kiến nguồn lực thực hiện quy hoạch.•

Bỏ Long An, Tiền Giang ra khỏi quy hoạch vùng Đông Nam bộ

Trao đổi với PV, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho biết trước đây, quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM với tám tỉnh (Quyết định điều chỉnh quy hoạch vùng TP.HCM năm 2017 với phạm vi vùng bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP.HCM và bảy tỉnh lân cận là Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang). Đến nay, việc lập nhiệm vụ quy hoạch vùng Đông Nam bộ chỉ còn sáu tỉnh, TP. Các tỉnh này đều nằm trong vùng trọng điểm phát triển và đây mới là duyệt nhiệm vụ quy hoạch, cụ thể còn rất nhiều việc phải làm.

Theo TS Võ Kim Cương, quy hoạch vùng đô thị thường hướng tới phát triển đô thị vùng đó. Cụ thể như trong vùng đó cần hướng tới phát triển đô thị nào, nối kết giữa các đô thị ra sao. Trước đây, với tên gọi là quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM thì lấy TP.HCM làm trung tâm, trung tâm phát triển của vùng. Đến nay gọi là vùng Đông Nam bộ thì tinh thần có thể khác hơn về mặt kết nối.

“Tất nhiên, quy hoạch vùng chắc chắn là cần thiết vì nó tạo sự kết nối về hạ tầng. Nếu không có sự kết nối đó thì các TP trong vùng không phát triển được và đặc biệt là về vấn đề bảo vệ được môi trường. Nếu như các TP phát triển lan tỏa mà không có nối kết, không có quy hoạch sẽ phá vỡ môi trường trong vùng. Theo tôi, vấn đề đáng quan tâm nhất là môi trường, bên cạnh vấn đề kinh tế - đô thị là mục tiêu phát triển” - ông Cương nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm