Có mật độ dân cư cao của cả nước, TP.HCM đang phải đối mặt với hậu quả biến đổi khí hậu (BĐKH). Mới đây, Sở TN&MT TP.HCM đã báo cáo bản dự thảo về công tác tuyên truyền, vận động bảo vệ môi trường và ứng phó BĐKH giai đoạn 2017-2020 và thông qua giới chuyên môn để có thể nhận định, góp ý hoàn chỉnh dự thảo. Dự kiến tháng 10-2020, Sở sẽ tổng kết đánh giá kết quả thực hiện và báo cáo Thành ủy, UBND TP.
Truyền thông đến mọi đối tượng
Một số chỉ tiêu của dự thảo đặt ra là 100% hộ gia đình hiểu biết, có kiến thức ứng phó và thích nghi sống chung với BĐKH; trên 80% cộng đồng dân cư tại các xã, phường thuộc vùng dễ bị tổn thương, thường xuyên bị thiên tai và ảnh hưởng của BĐKH có hiểu biết cơ bản về BĐKH, phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai. 100% người dân được tiếp cận thông tin về BVMT... Từ năm 2018-2019, đảm bảo 100% học sinh các cấp học phổ thông trên địa bàn TP được giáo dục về kiến thức, kỹ năng BVMT. Để đạt được hàng loạt chỉ tiêu trên, bản dự thảo nêu chi tiết các nội dung thực hiện, phù hợp với mọi đối tượng người dân thuộc mọi ngành nghề, lĩnh vực... theo lộ trình cụ thể.
Co người đang đối mặt khó khăn nhưng đồng thời tìm thấy cơ hội mới trước biến đổi khí hậu toàn cầu (Ảnh: ST)
Ngập lụt đô thị, nước biển dâng, thời tiết diễn biến thất thường... ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển TP và đời sống người dân. Nhận thấy nguy cơ của BĐKH, nhiều năm nay, Sở TN&MT TP.HCM liên tục triển khai nhiều chương trình. Chẳng hạn như hợp tác với TP Osaka, Rotterdam (Hà Lan), Cơ quan quốc tế Nhật Bản (JICA) về giám sát phát thải khí nhà kính, phát triển TP phát thải carbon thấp, hợp tác cùng về ứng phó với BĐKH... Song, một trong những vấn đề rất quan trọng là nâng cao ý thức và sự chung tay vào cuộc của mọi đối tượng người dân.
Cùng hành động... trước BĐKH
Các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu không gian Goddard của NASA tại Mỹ, cho biết tháng 10-2017 được ghi nhận là tháng 10 nóng nhất trong lịch sử 137 năm qua. Thế giới chứng kiến hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan cũng như nguy cơ như mực nước biển đang dâng cao, sông băng Bắc cực tan chảy, hai phần ba rạn san hô lớn nhất thế giới Barrier Reef (Úc) bị hư hỏng do BĐKH, tình trạng ngập lụt trên toàn cầu có nguy cơ tăng gấp ba lần vào năm 2030 so với thời điểm hiện tại, mức độ CO2 trong bầu khí quyển tăng nhanh... Những điều này còn tạo ra làn sóng di cư của cư dân ở nơi có điều kiện thời tiết khắc nghiệt tìm kiếm vùng đất giàu tiềm năng hơn.
Tháng 12-2015, 192 quốc gia ký thỏa thuận Paris nhằm kêu gọi các nước chống lại BĐKH. Một trong những nội dung lớn của thỏa thuận là hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2oC và giới hạn mức tăng không quá 1,5oC. Hai năm sau khi thoả thuận này được ký kết, trọng tâm của Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về BĐKH (COP 23) diễn ra tại TP Bonn, Đức là đưa ra các quy tắc chi tiết, vấn đề về tài chính, mở rộng việc đóng góp quốc gia vào hành động về khí hậu... Trong đó khuyến khích các quốc gia nêu quan điểm, giải pháp, đặc biệt nhấn mạnh các sáng kiến toàn cầu như nhiên liệu sinh học bền vững, không sử dụng than đá...
Theo thông tin từ Sở TN&MT TP.HCM, đoàn Việt Nam do ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN&MT làm trưởng đoàn đã bày tỏ những quan điểm quan trọng. Là quốc gia dễ bị tổn thương bởi BĐKH, Việt Nam nỗ lực xây dựng khả năng thích ứng, ứng phó, đặc biệt là đối với những khu vực nhạy cảm với BĐKH. Tháng 9-2017, Chính phủ Việt Nam đã tổ chức hội nghị quốc tế về chuyển đổi mô hình phát triển bền vững, thích ứng với BĐKH vùng ĐBSCL. Những nỗ lực không ngừng cùng đóng góp của khu vực tư nhân và hỗ trợ quốc tế sẽ đặt ra lộ trình rõ ràng, góp phần vào nỗ lực ứng phó chung của toàn cầu.