Trước sự chậm trễ của chính quyền Hà Nội trong việc xử lý sai phạm tòa nhà 8B Lê Trực, Thủ tướng đã phải lần thứ sáu có văn bản yêu cầu TP Hà Nội chỉ đạo quận Ba Đình xử lý dứt điểm sai phạm tại dự án này. Tuy nhiên, cho đến nay quận Ba Đình vẫn chưa tìm được tư vấn để xây dựng phương án phá dỡ giai đoạn hai đối với tòa nhà 8B Lê Trực.
Người dân kêu cứu khắp nơi
Cuối năm 2015, khi các hộ dân mua căn hộ tại dự án 8B Lê Trực đang nhận bàn giao nhà, làm nội thất căn hộ thì sai phạm của dự án bị báo chí phản ánh.
Công trình bị đình chỉ, niêm phong để cơ quan chức năng vào cuộc xử lý. Còn người mua nhà tại dự án thì cay đắng tìm chỗ ở khác và bắt đầu một hành trình kêu cứu khắp nơi nhưng không có hồi kết.
Việc xử lý sai phạm của tòa nhà 8B Lê Trực được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn một (phá dỡ tầng tum và tầng 19) đã được UBND quận Ba Đình hoàn thành vào tháng 10-2016.
Giai đoạn hai (phá dỡ tầng 17, 18 và phần tòa nhà không xây giật cấp theo giấy phép xây dựng) bắt đầu triển khai từ tháng 10-2016, đến nay đã qua bốn năm nhưng vẫn chưa có kết quả vì không đưa ra được phương án phá dỡ.
Cụ thể, các chuyên gia và nhiều đơn vị chuyên môn đều cho rằng thực hiện phá dỡ giai đoạn hai sẽ làm ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực công trình (sẽ phải bỏ các cột và dầm biên chịu lực của công trình), gây mất an toàn cho tòa nhà và các hộ dân chung quanh.
Đơn vị đầu tiên lên tiếng về việc này là Công ty cổ phần Tập đoàn Phương Bắc, đơn vị trực tiếp tham gia phá dỡ giai đoạn một tòa nhà.
“Sau khi phá dỡ xong giai đoạn một thì chúng tôi xong trách nhiệm rồi. Nhưng vì thấy phá dỡ tiếp giai đoạn hai sẽ không đảm bảo an toàn cho công trình nên tôi có làm văn bản kiến nghị gửi tới các cơ quan chức năng là không nên tiếp tục phá dỡ giai đoạn hai” - ông Đàm Văn Long, Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Phương Bắc, cho biết.
Đến tháng 5-2018, UBND quận Ba Đình đã lựa chọn đơn vị tư vấn lập phương án phá dỡ giai đoạn hai là Công ty TNHH Tư vấn ĐH Xây dựng (đơn vị thiết kế tòa nhà 8B Lê Trực), đồng thời mời các đơn vị chuyên môn của Bộ Xây dựng (Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Viện Khoa học công nghệ xây dựng IBST) tham gia lập thiết kế phương án phá dỡ giai đoạn hai.
Tuy nhiên, sau đó IBST đã có văn bản gửi UBND quận Ba Đình từ chối tham gia việc lập phương án phá dỡ giai đoạn hai đối với tòa nhà 8B Lê Trực vì lý do không đảm bảo an toàn.
Cho đến nay, các cơ quan chức năng của Hà Nội vẫn chưa đưa ra được phương án phá dỡ giai đoạn hai đối với phần sai phạm của tòa nhà này.
Bà Nguyễn Thị Hồng Xuân, một trong những người mua nhà tại dự án, cho biết sự chậm trễ trong việc đưa ra phương án xử lý tòa nhà khiến họ rất mệt mỏi.
“Mới đây, chúng tôi được Ban tiếp dân của UBND quận Ba Đình trả lời là do không có đơn vị tư vấn trong nước nào nhận nên phương án phá dỡ giai đoạn hai quận sẽ tìm đơn vị nước ngoài tham gia. Chúng tôi cũng chỉ mong chính quyền có phương án xử lý dứt điểm thôi để còn ổn định cuộc sống, chứ suốt năm năm cầu cứu khắp nơi cũng mệt mỏi lắm rồi!” - bà Xuân nói.
Vẫn chưa tìm được tư vấn để xây dựng phương án phá dỡ giai đoạn hai tòa nhà 8B Lê Trực. Ảnh: TRỌNG PHÚ
Nhận trách nhiệm nhưng chưa xử lý
Trước sự chậm trễ trong xử lý sai phạm của tòa nhà 8B Lê Trực, tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội vừa diễn ra, các đại biểu Quốc hội một lần nữa đặt câu hỏi vì sao việc xử lý tòa nhà 8B Lê Trực trải qua hai nhiệm kỳ Quốc hội mà vẫn chưa xử lý dứt điểm?
Trước đó, đã nhiều lần bộ trưởng Xây dựng phải giải trình trước Quốc hội, chủ tịch TP Hà Nội đã nhận trách nhiệm trước cử tri về việc chậm trễ xử lý dứt điểm sai phạm của tòa nhà nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được xử lý.
Mới đây nhất, ngày 6-12, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi TP Hà Nội truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc xử lý đối với sai phạm của tòa nhà 8B Lê Trực. Tính từ thời điểm báo chí phản ánh sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực, đến nay Thủ tướng Chính phủ đã sáu lần có văn bản “yêu cầu, đốc thúc” TP Hà Nội xử lý dứt điểm vi phạm này.
Do vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu TP Hà Nội tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm việc này, bảo đảm kỷ cương, pháp luật, an toàn công trình và quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.
Tại Thông báo kết luận số 351/2015 kết luận của Thủ tướng Chính phủ về nhà 8B Lê Trực nêu rõ: Việc vi phạm các quy định về quản lý quy hoạch kiến trúc, đầu tư xây dựng và quản lý trật tự xây dựng đô thị tại nhà 8B là vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Chủ đầu tư đã bất chấp pháp luật, không thực hiện đúng các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc theo giấy phép xây dựng, đồng thời không thực hiện các yêu cầu của các cơ quan quản lý trật tự xây dựng đô thị.
Vụ việc này là biểu hiện yếu kém về hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong công tác quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng đô thị. Yêu cầu phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với các sai phạm của chủ đầu tư dự án và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Thủ tướng sáu lần “yêu cầu, đốc thúc” Cụ thể, trong văn bản mới đây nhất của Văn phòng Chính phủ cho biết đối với việc xử lý vi phạm tại nhà 8B Lê Trực, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo: Thông báo số 351/2015 và các công văn số 2174/2016, số 5278/2016, số 5805/2016, số 1404/2018. Tuy nhiên, TP Hà Nội rất chậm trong việc chỉ đạo xử lý, đến nay vẫn tồn tại, kéo dài. Trước chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ về sai phạm tại nhà 8B Lê Trực, vào các ngày 7 và 8-12, PV đã nhiều lần liên hệ qua điện thoại với lãnh đạo UBND quận Ba Đình và Sở Xây dựng TP Hà Nội nhưng không nhận được phản hồi. |