Chiều 18-6, trả lời cử tri về việc xử lý vi phạm ở cao ốc 8B Lê Trực bốn năm không xong, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói:“Nói thật, để đảm bảo kỷ cương phép nước thì có đập cả tòa nhà này cũng phải làm, vì công trình sai từ móng, từ tầng một. Quá trình xử lý sai phạm cho thấy chủ đầu tư tòa nhà này rất cùn”.
Bảo đảm kỷ cương phép nước, ai cũng biết, chẳng những là nguyên tắc của nhà nước pháp quyền mà còn là yêu cầu xuyên suốt của Đảng trong nhiều nghị quyết. Vậy vì sao khi áp dụng vào thực tiễn, không ít lần, như lần này, trong vụ nhà 8B lê Trực, nguyên tắc và yêu cầu rất đúng ấy lại trắc trở như “đẩy xe bò lên dốc”?
Không ít lần, ở diễn đàn Quốc hội (QH), nhiều đại biểu (ĐB) đã chất vấn: “Vì sao có những loại vi phạm xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật, ngay trung tâm thành phố, hoặc diễn ra trên quy mô rộng lớn, kéo dài nhiều tháng, nhiều năm hoặc lặp đi lặp lại mà chính quyền và các cơ quan chức năng không hay biết, không kịp thời ngăn chặn, hay khi phát hiện thì nể nang, xuê xoa, nhẹ tay trong xử lý?”. Cử tri cho rằng đã có sự móc ngoặc thông qua đút lót, hối lộ, ăn chia giữa những cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất với những kẻ vi phạm.
Bởi vì ĐBQH đã trải qua hoặc chứng kiến rất nhiều lần, cũng chính ở những địa bàn ấy và bởi những cán bộ, công chức ấy, những sai phạm “chỉ bằng móng tay” vẫn bị phát hiện rất nhanh và xử lý rất nghiêm. Trong khi đó, có những sai phạm “to như con voi” thì kết quả đạt được không phải là “bảo đảm kỷ cương phép nước” mà là “nhắc nhở”, “yêu cầu tự khắc phục” tháng này qua năm khác. Thậm chí, nếu đương sự “cùn” quá thì “phạt cho tồn tại” với lý do “tránh lãng phí cho xã hội” hoặc “không an toàn về kỹ thuật”.
“Công trình này không phải vi phạm phía trên mà vi phạm ngay từ móng, vi phạm từ tầng hầm lấn ra cả vỉa hè… Để đảm bảo kỷ cương phép nước thì cả tòa nhà này cũng phải đập vì sai từ móng”-Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Ảnh: TRỌNG PHÚ
Tại diễn đàn QH, ĐB Dương Trung Quốc đã ba lần yêu cầu sớm có lộ trình chấm dứt tình trạng “phạt cho tồn tại”. Theo ông Quốc, cần tháo dỡ những công trình sai phạm, tuy có hy sinh một phần nào lợi ích xã hội nhưng cuối cùng sẽ đem lại lợi ích lớn hơn, đó là tránh tình trạng khinh nhờn luật pháp, đến một lúc nào đó không thể xử lý được.
Nhiều ĐBQH cho rằng “phạt cho tồn tại” giống như một căn bệnh truyền nhiễm. Nó khuyến khích người vi phạm đối phó bằng thái độ “cùn” hoặc tiếp tục tái phạm, và nó kích thích người chưa vi phạm cứ vi phạm đi vì tin rằng, như họ đã trải qua hoặc nhìn thấy, cùng lắm thì sẽ bị chế tài “phạt cho tồn tại”.
Tình trạng khinh nhờn kỷ cương phép nước là một thánh thức đối với những nỗ lực cải cách hành chính, kiến tạo hệ sinh thái lành mạnh và thuận lợi để phát triển kinh tế. Pháp luật bị vi phạm trắng trợn, công khai và kéo dài; việc xử lý không công bằng và kiên quyết; nạn tham nhũng bằng cách gây khó khăn, cản trở, trì hoãn hay bắt chẹt để buộc phải “lót tay”, “mãi lộ”… đang và sẽ tác động hết sức tiêu cực vào niềm tin của người dân và doanh nghiệp, nhất là trong điều kiện nước ta đã hội nhập hết sức sâu rộng với quốc tế.
Những nhà đầu tư đến từ những quốc gia có luật pháp nghiêm minh, ít tham nhũng sẽ rất e ngại môi trường kinh doanh ở nước ta khi chứng kiến cảnh pháp luật bị “lờn thuốc”, bộ máy công quyền bất lực trước những vi phạm pháp luật trắng trợn và kéo dài, thậm chí được phép tồn tại bằng các biện pháp “giơ cao đánh khẽ”.
Một số vụ việc gần đây cho thấy sự báo động của cử tri và các ĐBQH là có cơ sở. Sự khinh nhờn pháp luật và thách thức bộ máy công quyền đã vượt qua những phản ứng phi bạo lực như chây ỳ, tránh né hay tranh cãi, lăng mạ. Sự thách thức ấy đã chuyển sang những hành vi manh động có tổ chức, hoặc tấn công trực diện người thi hành công vụ bằng bạo lực, bằng vũ khí trong những vụ “lâm tặc”, “sa tặc” hay buôn lậu qua biên giới xảy ra ở nhiều địa phương.
Để bảo đảm kỷ cương phép nước trong xã hội, giảm thiểu tình trạng coi thường pháp luật, kinh nghiệm ở nhiều quốc gia là xử nghiêm, nhanh và triệt để các vi phạm pháp luật. Nếu xây dựng trái phép, gây ô nhiễm môi trường hay làm hư hại tài sản công thì phải tự mình dỡ bỏ, khắc phục hay trả lại nguyên trạng, và còn phải bồi thường cho những người bị thiệt hại. Nếu họ không tự thực hiện thì Nhà nước sẽ thực hiện và họ phải gánh chịu mọi chi phí, thậm chí có thể chịu những chế tài nặng hơn, như phạt tù.
Nghĩa là phải xử lý sao cho những kẻ cố tình trục lợi cho mình bằng cách gây thiệt hại cho xã hội một cách trái pháp luật không thể hy vọng có được một khoản lợi nào, dù nhỏ nhoi; phải xử sao để những kẻ vi phạm không có cơ may trốn tránh chế tài của luật pháp, không có cửa để đút lót nhân viên công lực thoái hóa. Phải xử sao để cán bộ thoái hóa, dung túng sai phạm không chỉ “mất cả chì lẫn chài” mà còn bị xử lý nghiêm minh...
“Để đảm bảo kỷ cương phép nước thì có đập cả tòa nhà này cũng phải làm, vì công trình sai từ móng, từ tầng một”. Vâng, nhân dân không chỉ ở TP Hà Nội mà của cả nước đang trông chờ vào hành xử nghiêm minh của chủ tịch UBND TP Hà Nội, vì đây đúng là chuyện phải làm!