Tin công nghệ ngày 11-9: ChatGPT ‘uống’ nửa lít nước cho mỗi 20 lời nhắc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(PLO)- Tin công nghệ ngày 11-9 sẽ có nội dung như ChatGPT ‘uống’ nửa lít nước cho mỗi 20 lời nhắc, TikTok chi 1,3 tỉ USD để trấn an các nước châu Âu, bộ đôi chuột và phím Pebble 2 lộ diện, Alibaba ra mắt giải pháp hỗ trợ DN Việt giao dịch an toàn.

1. ChatGPT ‘uống’ nửa lít nước cho mỗi 20 lời nhắc

Theo nhà nghiên cứu Shaolei Ren từ ĐH California, ChatGPT và các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) tương tự sử dụng tới nửa lít nước (500 ml) cho mỗi 20-50 lời nhắc hoặc câu hỏi mà người dùng đặt ra.

Trong một bài báo đăng trên Arxiv đầu năm nay, 500 ml có vẻ không nhiều nhưng với việc người dùng trên toàn thế giới sử dụng ChatGPT thì lượng nước tiêu thụ là rất lớn.

ChatGPT tiêu tốn nửa lít nước cho khoảng 20-50 lời nhắc. Ảnh: TIỂU MINH

ChatGPT tiêu tốn nửa lít nước cho khoảng 20-50 lời nhắc. Ảnh: TIỂU MINH

Trao đổi với AP News, Ren cho biết: “Hầu hết mọi người không biết về việc sử dụng tài nguyên cơ bản của ChatGPT.”

OpenAI đã thừa nhận vấn đề sử dụng nước và cho biết công ty đang tìm cách giúp LLM ít tiêu tốn năng lượng hơn.

Ra mắt vào cuối năm 2022, ChatGPT đã có hơn 100 triệu người dùng chỉ trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, theo Gizmodo, lượng người dùng truy cập trang web của ChatGPT đã giảm dần trong 3 tháng liên tiếp.

2. TikTok chi 1,3 tỉ USD để trấn an các nước châu Âu

Trong năm 2023, hết quốc gia này đến quốc gia khác đã cấm nhân viên chính phủ và các quan chức cài đặt TikTok trên điện thoại vì lo ngại an ninh quốc gia.

TikTok trấn an chính phủ các nước châu Âu. Ảnh: Pexels

TikTok trấn an chính phủ các nước châu Âu. Ảnh: Pexels

Lý do đầu tiên là bởi TikTok thuộc sở hữu của ByteDance. Dù được đăng ký tại quần đảo Cayman nhưng công ty có trụ sở quản lý tại Bắc Kinh.

Để cố gắng trấn an chính phủ các nước châu Âu, TikTok đang chi 1,3 tỷ USD để xây dựng ba trung tâm dữ liệu mới (hai ở Ireland và một ở Đan Mạch). Điều đó có nghĩa là đến cuối năm 2024, dữ liệu của người dùng tại EU sẽ chỉ được lưu trữ trong khu vực.

Kế hoạch mà TikTok gọi là Project Clover, là một nỗ lực cực kỳ tốn kém để chứng minh rằng nền tảng này không vi phạm luật của EU về việc gửi dữ liệu nhạy cảm của người dùng đến Trung Quốc.

Thống kê cho thấy, TikTok có khoảng 150 triệu người dùng ở châu Âu, nhiều người trong số họ dành khoảng 90 phút trở lên cho ứng dụng này mỗi ngày.

3. Bộ đôi chuột và phím Pebble 2 lộ diện

Với màu sắc đa dạng, người dùng có thể dễ dàng phối hợp chuột, bàn phím, màn hình và các phụ kiện trên bàn làm việc dễ dàng hơn. Đi kèm theo đó là công nghệ Silent Touch giúp loại bỏ 90% tiếng ồn khi gõ.

Nếu muốn tùy chỉnh chức năng, cá nhân hóa các phím bấm… bạn có thể cài đặt ứng dụng Logi Options+. Chuột và bàn phím Pebble 2 hỗ trợ kết nối tối đa ba thiết bị thông qua Bluetooth hoặc USB.

logitech Pebble 2

Lifestyle là một phân khúc thành công của Logitech trên toàn cầu, trong đó có thị trường Việt Nam. Với các mẫu bàn phím và chuột, tai nghe, webcam nhiều màu sắc, đa dạng tính năng, giúp người tiêu dùng dễ dàng thể hiện dấu ấn cá nhân trong từng không gian làm việc.

4. Alibaba ra mắt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt giao dịch trực tuyến an toàn

Alibaba, nền tảng thương mại điện tử B2B toàn cầu, vừa ra mắt dịch vụ Đảm bảo Thương mại (Trade Assurance) dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam (SME).

Đây là dịch vụ bảo vệ đơn hàng độc quyền của Alibaba nhằm giúp các SME giảm thiểu các rủi ro trong thương mại toàn cầu, giúp cho nhà cung cấp tự tin hơn khi giao dịch quốc tế.

Mua sắm online. Ảnh: Pexels

Mua sắm online. Ảnh: Pexels

Dịch vụ này yêu cầu người mua hàng thực hiện thanh toán tại thời điểm mua hàng, khoản thanh toán này sẽ được Alibaba giữ lại dưới dạng ký quỹ, và chuyển cho nhà cung cấp sau khi người mua hàng xác nhận đã nhận được đơn đặt hàng đúng với yêu cầu của họ trong một khoảng thời gian hợp lý.

Nếu phát sinh tranh chấp, đội ngũ của công ty sẽ giải quyết dựa trên những bằng chứng được đưa ra, hạn chế việc tham gia vào các cuộc chiến pháp lý kéo dài, tốn kém mà ít SME nào đủ khả năng chi trả.

Ông Roger Luo, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Alibaba, cho biết: “Dịch vụ này sẽ thúc đẩy niềm tin giữa các nhà cung cấp Việt Nam và người mua hàng trên toàn thế giới, đồng thời đơn giản hóa quy trình giao dịch. Bằng cách đó, chúng tôi mong muốn nâng cao hiệu quả và mở ra những cơ hội kinh doanh mới cho các nhà cung cấp Việt Nam, từ đó góp phần vào sự phát triển và thành công của họ”.

Đọc thêm